Nỗi lo về khả năng Nga “tấn công” Ukraine đang đẩy phương Tây và Moscow vào thế đối đầu ngày một căng thẳng và một loạt diễn biến mới cho thấy giải pháp ngoại giao vẫn còn xa vời.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 24-1 quyết định đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng “báo động cao”, sẵn sàng được triển khai đến Đông Âu nếu cần.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, phần lớn binh sĩ này sẽ tham gia vào Lực lượng Phản ứng NATO (NRF) có thể sớm được kích hoạt. NRF là lực lượng đa quốc gia gồm 40.000 thành viên, ra đời nhằm ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến giờ vẫn bác bỏ khả năng triển khai binh sĩ Mỹ đến Ukraine nhưng tỏ dấu hiệu cho biết sẵn sàng hỗ trợ lực lượng NATO nếu được yêu cầu.

Theo tiết lộ của tờ The New York Times, ông Biden đang cân nhắc triển khai vài ngàn binh sĩ, cùng với tàu chiến và máy bay đến các nước đồng minh NATO tại vùng Baltic và Đông Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp với các nhà lãnh đạo châu Âu về Nga và tình hình Ukraine hôm 24-1. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Theo sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 24-1, ông Biden nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa các cường quốc phương Tây về việc đối phó Nga.

Cùng ngày, NATO cho biết đang điều động thêm tàu và máy bay chiến đấu để củng cố lực lượng tại Đông Âu để đáp trả hành động tăng quân của Nga tại biên giới với Ukraine.

Ngoài việc khẳng định không có ý định tấn công Ukraine, Nga còn cho rằng phản ứng trên của phương Tây cho thấy Moscow mới là mục tiêu của hành động gây hấn.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là liệu có giải pháp ngoại giao nào cho cuộc khủng hoảng nói trên.

Theo tờ The New York Times, Moscow có thể đơn giản chỉ muốn ngăn Kiev gia nhập NATO, đồng thời được bảo đảm rằng Mỹ và NATO sẽ không bao giờ triển khai vũ khí tấn công có thể đe dọa an ninh Nga trên lãnh thổ Ukraine. Khả năng thỏa hiệp đối với 2 vấn đề này không phải không có.

Mỹ trước nay tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách “mở cửa”, tức mọi quốc gia được tự do lựa chọn về vấn đề gia nhập NATO. Dù vậy, thực tế cho thấy không ai kỳ vọng Ukraine sẽ là thành viên của NATO trong 10-20 năm nữa.

Vì thế, Mỹ có thể bảo đảm với Nga rằng vấn đề NATO kết nạp Ukraine sẽ không được đưa ra thảo luận trong ít nhất 10 năm tới dù chính quyền ông Biden đã đặt ra lằn ranh đỏ về việc không để Moscow có quyền phủ quyết đối với chuyện nước nào được gia nhập NATO.

Gặp nhiều thử thách hơn là việc thương thảo về vấn đề Mỹ và NATO hoạt động thế nào ở Ukraine. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014, Mỹ và các nước thành viên khác của NATO đã cung cấp cho Ukraine “vũ khí phòng vệ” – theo cách gọi của phương Tây.

Tuy nhiên, phía Moscow lại cho rằng những vũ khí này mang tính tấn công hơn là phòng thủ. Việc Nga đòi hỏi Ukraine đảo ngược xoay trục sang phương Tây cũng được xem là vấn đề khó tìm được tiếng nói chung.

 Sự kiện Crimea nói trên đã thúc đẩy nhiều người Ukraine chuyển sang ủng hộ nước này tăng cường quan hệ với châu Âu. Giờ đây, việc Nga tăng quân tại biên giới với Ukraine có thể càng thúc đẩy xu hướng đó.

Trước mắt, cánh cửa đàm phán vẫn chưa đóng sập hoàn toàn. Mỹ cho biết sẵn sàng thảo luận với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa và các biện pháp xây dựng lòng tin.

Trong khi đó, theo hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), các quan chức Nga, Ukraine, Đức và nước chủ nhà Pháp dự kiến gặp nhau tại thủ đô Paris ngày 26-1 trong nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt tình hình. Cuộc đối thoại này nhằm thúc đẩy Moscow thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 bằng cách “rút lại sự ủng hộ” dành cho phe nổi dậy đang chống chính phủ Ukraine tại vùng Donbas.


Hoàng Phương

Chia sẻ