Khi được hỏi liệu có muốn một cuộc chiến ở châu Âu hay không, Tổng thống Putin nói rằng “tất nhiên là chúng tôi không muốn”. Và đó là lý do tại sao có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Moscow ngày 15-2.

Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm: “Chúng tôi có muốn viễn cảnh đó hay không? Đương nhiên là không. Đó chính xác là lý do chúng tôi thúc đẩy những đề xuất cho quá trình đàm phán”.

Ông chủ Điện Kremlin nói rằng kết quả của các cuộc đàm phán phải là một thỏa thuận về “an ninh bình đẳng”. Ông Putin khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc thêm cùng nhau, sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán”.

Theo ông Putin, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ chối yêu cầu của Nga về ngăn Ukraine gia nhập NATO, ngừng triển khai vũ khí đến gần biên giới Nga và rút lực lượng liên minh khỏi Đông Âu.

Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh đã đồng ý thảo luận về một loạt đề xuất an ninh mà phía Moscow đưa ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm tại Moscow ngày 15-2. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về hạn chế triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu, minh bạch hóa các cuộc diễn tập cùng những biện pháp xây dựng lòng tin khác. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh phương Tây cần lưu ý những yêu cầu an ninh chủ chốt của Moscow.

Về phần Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông nói rằng “thật tốt” khi hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau. Sau một số lời nói vui vẻ, Thủ tướng Đức chuyển sang khía cạnh khó khăn hơn về mặt chính trị trong cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Putin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ quan ngại về điều mà ông gọi là “dấu hiệu của cuộc khủng hoảng đe dọa châu Âu” trong một cuộc họp báo tại Điện Kremlin với Tổng thống Putin.

Ông Scholz nói rằng đây là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng trải qua ở châu Âu trong một thời gian”.

Ông Scholz cho biết cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một cách rõ ràng về việc Nga tập trung quân sự ở biên giới Ukraine. “Phương Tây coi việc gia tăng binh sĩ ở biên giới Ukraine là một mối đe dọa”, đài CNN dẫn lời ông Scholz cho biết.

Thủ tướng Scholz nói: “Chúng tôi không nghĩ ra bất kỳ lý do nào họ nên ở đó”.

Theo ông Scholz, giảm leo thang là “điều cần thiết và sẽ “hướng tới một giải pháp hòa bình”. Ông Scholz nói rằng việc rút bớt binh sĩ Nga là một “dấu hiệu tốt” và “chúng tôi đã chuẩn bị để thảo luận về các bước đi rất cụ thể nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh”. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh đó là “yêu cầu khẩn thiết và mong muốn rằng tình hình không đi đến bế tắc”.


Huệ Bình

Chia sẻ