Theo Bộ Môi trường quốc gia Trung Quốc, vào thời điểm dịch Covid-19 đạt đỉnh ở nước này, TP Vũ Hán đã thải ra 240 tấn rác thải y tế mỗi ngày, gấp 6 lần mức bình thường. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính có thêm 280 tấn rác thải y tế được thải ra mỗi ngày ở thủ đô Manila – Philippines.

Con số này tại thủ đô Jakarta – Indonesia là 212 tấn. Điều đáng lo, theo ADB, là không có nhiều nước đủ năng lực xử lý lượng rác thải y tế tăng thêm này.

Rác thải y tế được đem đi bỏ bên ngoài một bệnh viện ở thủ đô New Delhi – Ấn Độ trong lúc dịch Covid-19 hoành hành Ảnh: PTI

Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy nhu cầu bao bì nhựa cũng như gia tăng sản xuất các mặt hàng dùng một lần như khẩu trang, găng tay và các bộ kit xét nghiệm, trong đó nhựa là thành phần chính. Thêm vào đó, lệnh phong tỏa được áp đặt ở nhiều thành phố đã gây trở ngại cho nỗ lực tái chế rác thải đô thị, khiến các chính quyền phải sử dụng những lò đốt rác vốn đang quá tải nhằm tránh tình trạng rác thải chất đống.

“Đốt rác có thể là một giải pháp khẩn cấp để đối phó sự gia tăng mạnh mẽ của chất thải y tế nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe cộng đồng chắc chắn là những khía cạnh mà chúng ta cần xem xét cẩn thận” – ông Shardul Agrawala, chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cảnh báo. Tại không ít quốc gia, rác thải y tế thậm chí bị đổ ra các bãi rác thông thường hoặc bị vứt bỏ bừa bãi.


Xuân Mai

Chia sẻ