Hai máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 mà Nga cử sang Belarus có thể được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm loại tên lửa siêu thanh được thiết kế để tránh hệ thống phòng không tinh vi của phương Tây.

Moscow hành động như thế khi liên minh 27 quốc gia châu Âu cân nhắc trừng phạt Minsk vì vấn đề mà họ gọi là cuộc khủng hoảng nhân tạo, trong khi Belarus phủ nhận.

Ước tính có tới 3.000 đến 4.000 người di cư tập trung gần biên giới Belarus – Ba Lan và hơn 10.000 người đang ở nhiều khu vực của Belarus để chuẩn bị vượt biên. Dù bị đẩy lùi bằng hơi cay, người di cư mắc kẹt ở Belarus cố tìm đường sang Ba Lan trong đêm.

Hai máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga được ghi hình đã tiến vào không phận của Belarus ở phía Bắc TP Gomel vào ngày 10-11. Ảnh: East2west News

Một người di cư kể với Daily Mail rằng những người lính Belarus nổ súng đe dọa phụ nữ và trẻ em. Họ khá sợ hãi, tìm cách tránh và tiến về phía Anh với hy vọng được an toàn. Trong khi đó, một người đàn ông đến từ Syria cho biết ông bị lính biên phòng Belarus đánh gãy mũi, mắt bầm tím, xuất huyết.

Chính quyền Ba Lan tăng cường lực lượng biên phòng. Nước này đóng cửa biên giới và điều 12.000 quân đến tới bảo vệ 416 km đường biên với Belarus do lo ngại tình trạng di cư ồ ạt đe dọa sự ổn định và an ninh của toàn EU.

Quan chức phụ trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các nước liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng, tránh làm tình hình thêm nghiêm trọng.

Di dân từ Syria tuyên bố anh ta bị lính biên phòng Belarus đánh ở biên giới Ba Lan. Ảnh: Reuters

Nga đổ lỗi cho EU gây ra cuộc khủng hoảng biên giới, cáo buộc liên minh không duy trì các giá trị nhân đạo của chính mình và cố “bóp nghẹt” Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới.

Moscow cũng cho rằng EU áp biện pháp trừng phạt Belarus vì cuộc khủng hoảng này là không thể chấp nhận được.

Điện Kremlin nói việc Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Moscow có vai trò trong việc tạo ra dòng người di cư vào EU là vô trách nhiệm. Theo Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng EU nên bàn trực tiếp với Minsk về cuộc khủng hoảng này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông hy vọng một EU có trách nhiệm sẽ “không cho phép bản thân họ bị kéo vào vòng xoáy tương đối nguy hiểm”.

Hội Chữ thập đỏ Belarus hỗ trợ nhân đạo cho người di cư tại một trại lều ở biên giới Belarus-Ba Lan. Ảnh: TASS

Trong khi đó, các chính phủ phương Tây cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khuyến dụ người di cư (từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi) đến nước này và giục họ sang Ba Lan để kích động một cuộc khủng hoảng di cư mới ở châu Âu nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt đối với ông vì hành vi đàn áp người biểu tình.

Cựu đại sứ Belarus tại Pháp và Ba Lan khẳng định những người di cư là các cựu binh Afghanistan và Iraq được huấn luyện bởi lực lượng đặc biệt của Tổng thống Lukashenko.

Tuy nhiên, ông Lukashenko phủ nhận những cáo buộc trên.

Trong cuộc họp ngày 10-11, 27 ngoại trưởng EU đồng ý rằng tình trạng gia tăng số người di cư qua ngả Belarus để vào EU là “chiến tranh hỗn hợp” của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, vì thế Brussels cần áp biện pháp trừng phạt. Sắp tới, EU lo ngại tình hình tái diễn ở biên giới giữa Belarus với Latvia, Lithuania.


Huệ Bình

Chia sẻ