Trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, mặc dù nhiều ngành sản xuất tại Nhật Bản bị ngưng trệ hoặc chịu những cú sốc lớn nhưng ngành bất động sản ngược lại có xu hướng tăng trưởng cao.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tốt, Nhật Bản vẫn là một nơi “đất lành chim đậu”, duy trì được sự hấp dẫn đối với những người muốn sinh sống hoặc đầu tư làm ăn lâu dài. Khác với một số nước, Nhật Bản cho phép sở hữu vĩnh viễn bất động sản bao gồm nhà ở và đất đai.

Người nước ngoài, không cần có tư cách lưu trú tại Nhật, vẫn có thể sở hữu đất và nhà ở tại nước này. Chính các điều kiện đó đang thu hút rất nhiều người khá giả ở Trung Quốc, Hàn Quốc… đến Nhật Bản mua bất động sản.

TP Fukuoka là một trong những khu vực ở Nhật Bản đang thu hút người nước ngoài đến tìm mua nhà .Ảnh: BLOOMBERG

Trong gần 10 năm trở lại đây, số người Việt Nam sinh sống tại Nhật ngày càng tăng và không ít người có ý định định cư lâu dài. Số lượng người đăng ký được “vĩnh trú” (một loại tư cách lưu trú không thời hạn dành cho người nước ngoài tại Nhật) cũng nhiều lên. Và với tinh thần “an cư lạc nghiệp”, số người Việt muốn mua đất, mua nhà tại Nhật cũng tăng tỉ lệ thuận.

Ngoài những nơi có giá trị cao và thanh khoản tốt như khu vực trung tâm ở các thành phố, các khu vực ngoại ô và nông thôn ở Nhật cũng có rất nhiều loại bất động sản với giá cả phải chăng, nhiều ưu đãi từ phía chính phủ.

Những người đang sinh sống và làm việc tại Nhật, kể cả người nước ngoài, đều có thể tiếp cận các gói vay mua nhà ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, lãi suất có thể chỉ dao động quanh 1% trong suốt 35 năm.

 Bên cạnh đó, ở những khu vực nông thôn, chỉ cần vài triệu yen (tương đương 200-300 triệu đồng) cũng mua được mảnh đất vài trăm mét vuông, có đường ôtô vào tận nơi.

Có những thành phố nhỏ, chính quyền có thể trợ cấp cả vài trăm ngàn yen (tương đương vài chục triệu tới một trăm triệu đồng) để thu hút các cặp vợ chồng trẻ về sinh sống.

Những chính sách ưu đãi này thể hiện một vài điều thú vị về xứ sở mặt trời mọc. Trong những năm cuối thập niên 1980, Nhật Bản đã trải qua một đợt bong bóng kinh tế lớn, tiền đầu tư liên tục đổ vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Khi bong bóng vỡ vào đầu những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào khủng hoảng và bắt đầu 3 thập kỷ “mất mát” cho tới tận những năm gần đây. Trong khi Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm khoảng 6,8%, Nhật Bản liên tục rơi vào suy thoái, nền kinh tế hoặc tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng.

Ngân hàng Nhật Bản duy trì chính sách lãi suất 0% và lãi suất âm trong suốt nhiều năm nay nhằm khuyến khích đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, có vẻ những ám ảnh về cuộc khủng hoảng hơn 30 năm trước vẫn tác động khá sâu tới nhiều người Nhật nên ngay cả với điều kiện lãi suất như vậy vẫn không thể kích thích đầu tư và tiêu dùng như mong muốn.

Nhiều người Nhật trẻ không có ham muốn sở hữu nhà ở một phần vì lo ngại các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai nhưng phần khác cũng vì các chính sách về thuế/phí chuyển nhượng, thuế tài sản, thuế quy hoạch đô thị hay các khoản bảo hiểm bắt buộc khá chặt chẽ, khiến việc đầu cơ bất động sản khó mang lại lợi nhuận cao.

Như đã nói ở trên, người nước ngoài cũng có thể sở hữu bất động sản tại Nhật nhưng các khoản thu nhập có được từ bất động sản đó sẽ bị đánh thuế khá cao (khoảng hơn 20%) đối với người không cư trú và đánh thuế theo tổng thu nhập đối với người cư trú.

Ngoài ra, tuổi thọ nhà ở Nhật không quá cao. Ở các khu vực trung tâm thành phố, những khu chung cư 30-40 năm trở lên được coi là “cao tuổi” và có kế hoạch phá dỡ để xây dựng lại.

Nếu là nhà riêng, nhà tại Nhật thường được xây dựng bằng các loại gỗ công nghiệp nhẹ, bảo đảm an toàn về kết cấu khi có động đất. Với tuổi thọ chỉ khoảng 20-30 năm, những ngôi nhà kiểu này một khi xuống cấp thì không hề có giá trị, ngược lại chủ sở hữu sẽ phải mất khá nhiều tiền để phá dỡ và giải phóng mặt bằng mới có thể bán được mảnh đất theo giá thị trường.

Những quy định chặt chẽ như trên giúp thị trường bất động sản ở Nhật ổn định và cung cấp được nhiều sản phẩm tốt cho người muốn mua nhà để ở lâu dài.

 Chính vì vậy, nhiều người Việt Nam đang làm việc tại Nhật, có thu nhập ổn định và lý lịch tín dụng tốt đều có thể sở hữu căn nhà riêng của mình mà không cần phải quá đau đầu lo lắng về việc chuẩn bị tài chính dù nhà họ định mua có thể trị giá lên tới cả chục tỉ đồng. 


BẾ MINH NHẬT (từ Tokyo – Nhật Bản)