Theo đài CNN, ông Biden cho biết: “Khi khinh khí cầu bay từ Canada sang Mỹ, tôi nói với Bộ Quốc phòng rằng tôi muốn bắn hạ nó càng sớm càng tốt. Họ kết luận rằng không nên bắn rơi nó trên đất liền. Đó là một mối đe doạ nghiêm trọng và nên chờ nó ra biển”.

Phía Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu thời tiết, không phục vụ mục đích quân sự, nhưng Washington gọi đó là phương tiện do thám trên cao tinh vi.

Hiện tại, Mỹ đang thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ở Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích và không có kế hoạch trả lại cho Bắc Kinh.

Mỹ đang thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ở Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích. Ảnh: AP

Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ ngày 4-2. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 6-2 cho biết: “Chúng tôi đã thu hồi được một số mảnh vỡ trên mặt biển và điều kiện thời tiết khiến công việc tìm kiếm mảnh vỡ dưới đáy biển gặp khó khăn”.

Ông Kirby xác nhận lực lượng tìm kiếm có thể sẽ “lặn xuống trong những ngày tới và xem xét kỹ hơn các mảnh vỡ dưới đáy đại dương”.

Ông Kirby tiết lộ Mỹ đã phát hiện một chi tiết cho thấy khinh khí cầu không chỉ trôi dạt mà còn có các cánh quạt và hệ thống lái cho phép kiểm soát lộ trình, ngay cả khi nó bị cuốn theo gió ở độ cao lớn.

Ông Kirby cũng nhấn mạnh việc phân tích các mảnh vỡ từ khinh khí cầu sẽ mang lại thông tin “có giá trị”. Ông cũng xác nhận Mỹ đã điều tra các vụ xâm nhập trước đó của máy bay Trung Quốc vào không phận Mỹ.

Khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời TP Billings, bang Montana, Mỹ, ngày 1-2. Ảnh: AP

Cùng ngày, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM), cho biết một tàu hải quân Mỹ đang trong quá trình lập bản đồ khu vực tìm kiếm mảnh vỡ. Ông VanHerck cho biết khinh khí cầu cao tới 60 m, trọng tải nặng, với kích thước tương đương một chiếc máy bay phản lực.

Tướng Glen VanHerck nói với tờ Politico rằng không loại trừ khả năng khinh khí cầu Trung Quốc được cài chất nổ để tự hủy. Dù thừa nhận không có bằng chứng ủng hộ nhận định này nhưng ông nhấn mạnh đó là một trong những yếu tố được xem xét trước khi quyết định bắn hạ mục tiêu.

Giữa lúc xuất hiện thông tin thiết bị này có thể chứa chất nổ, Mỹ lập vùng cấm rộng gần 19 km quanh nơi khí cầu Trung Quốc rơi. Vùng cấm sẽ được duy trì đến hết ngày 18-2.

Về số phận của khinh khí cầu Trung Quốc, ông Kirby cho biết Mỹ “không có ý định hay kế hoạch” trả lại các mảnh vỡ của khinh khí cầu cho phía Trung Quốc.

Trong khi đó, Tướng VanHerck khẳng định mảnh vỡ khinh khí cầu sẽ được nghiên cứu cẩn thận. Ông VanHerck nói: “Tôi không biết các mảnh vỡ sẽ được mang tới đâu để phân tích lần cuối. Thế nhưng, chắc chắn cộng đồng tình báo và thực thi pháp luật sẽ xem xét kỹ lưỡng”.

Trung Quốc đã lên tiếng xin lỗi Costa Rica vì một khinh khí cầu bay qua lãnh thổ của nước này. Theo tuyên bố ngắn gọn hôm 6-2 từ Bộ Ngoại giao Costa Rica, chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng một trong những khinh khí cầu của họ đã bay qua Costa Rica. Đại sứ quán Trung Quốc tại San Jose “xin lỗi về vụ việc”, đồng thời nhấn mạnh khinh khí cầu tập trung vào nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu thời tiết.


Huệ Bình