Thủ tướng Jacinda Ardern nhận được sự ca ngợi toàn cầu nhờ khống chế tình hình lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở New Zealand thông qua phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới từ tháng 3-2020. Tính đến nay, nước này ghi nhận khoảng 2.500 ca mắc, 26 người tử vong và trường hợp lây nhiễm cộng đồng gần nhất là vào tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, chiến lược này đang gây sức ép ngược lên nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào lao động nhập cư của New Zealand, từ đó đẩy chi phí lên cao và kéo giảm sản lượng. Các ngành công nghiệp sữa, nông nghiệp, khách sạn, nhà hàng… cùng các lĩnh vực nhà ở, dịch vụ, y tế… đều kêu cứu vì thiếu nhân lực trầm trọng. Lạm phát hằng năm của New Zealand đã đạt kỷ lục 3,3% trong quý II/2021, cao hơn nhiều so với dự báo của ngân hàng trung ương.

Trước khi thông báo xem xét lộ trình “tái kết nối New Zealand với thế giới” trong vòng 6 tháng hôm 12-8, bà Ardern đã phải hạ lệnh mở cửa đi lại một chiều, không cách ly cho các lao động thời vụ đến từ Samoa, Tonga và Vanuatu (các nước này đều không có ca nhiễm cộng đồng hiện tại) vào tuần trước để giải tỏa thiếu hụt nhân công nông nghiệp.

Bảo vệ kiểm tra y tế bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải – Trung Quốc vào ngày 10-8 Ảnh: REUTERS

“Khát” nhân lực cũng là thực trạng của Anh, khiến con đường hồi phục kinh tế mới mở ra đã lộ cảnh gập ghềnh. Dù hơn 70% dân số trưởng thành của Anh (khoảng 36 triệu người) đã được tiêm phòng đầy đủ song việc nước này dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch có thể làm gia tăng số ca mắc cũng như tình trạng tự cách ly hàng loạt mà báo chí Anh mô tả là “pingdemic” (tạm dịch: đại dịch “ping”).

Ứng dụng cảnh báo Covid-19, phát ra tiếng “ping” mỗi khi người dùng tiếp xúc gần với ai đó từng có xét nghiệm dương tính, khuyến cáo họ tự cách ly trong 10 ngày. Đài Deutsche Welle đưa tin chỉ trong 1 tuần giữa tháng 7, gần 620.000 người ở Anh bị “ping”. Hệ quả là nhiều công ty cung cấp thực phẩm phải dừng vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất cũng như đội ngũ tài xế, dẫn đến hàng loạt siêu thị trên cả nước cạn kiệt hàng hóa. Nhiều bệnh viện và công ty xe buýt, xe lửa phải cắt bớt hoạt động vì thiếu nhân viên.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp (CEBR) dự báo “pingdemic” gây thiệt hại 4,6 tỉ bảng Anh (khoảng 6,35 tỉ USD) cho kinh tế Anh vào tháng 8. Tình trạng thiếu người càng thêm gay gắt không chỉ ở Anh mà còn ở Mỹ, khi những nước này mở cửa trở lại nhưng người lao động không còn mặn mà với công việc trong nhà hàng, câu lạc bộ đêm, du lịch… vì quá sợ cảnh hết nới lỏng rồi lại siết chặt phong tỏa, theo Reuters.

Trong khi đó, đợt bùng phát dịch mới do biến thể Delta cũng gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, 1 năm sau khi hoạt động bình thường trở lại, thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải lại quay về với khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và truy vết.

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhớ lại quãng thời gian bất ổn hồi năm ngoái, khiến họ phải cấp bách tái cấu trúc theo hướng linh hoạt, trong đó bộ phận nhân sự đề cao khả năng tái đào tạo nhân viên cho những vị trí mới.

Trang IBM dẫn trường hợp của Công ty Giày Dusto và siêu thị trực tuyến Hema. Khi nhân viên không thể quay lại làm việc do Covid-19, Dusto phải thuê tạm công nhân trong vùng và đưa nhân viên văn phòng xuống xưởng sản xuất, còn Hema liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ địa phương để tận dụng nhân lực nhàn rỗi.

Xu hướng tìm việc và tuyển dụng ở Trung Quốc cũng thay đổi, theo CGTN, chuyển từ phỏng vấn trực tiếp sang trực tuyến. Cách “tuyển dụng đám mây” này được đánh giá là hiệu quả, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và dễ tiếp cận với nhiều người hơn. Một giải pháp khác cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc hướng đến là số hóa và tự động hóa để có thể kết hợp làm việc trực tuyến và trực tiếp tùy theo diễn biến dịch bệnh, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. 


HẢI NGỌC

Chia sẻ