Trong một động thái làm nhiều người bất ngờ, cả Philippines và Singapore đều tăng lãi suất trong ngày 14-7. Sau khi tăng các lãi suất then chốt thêm 75 điểm cơ bản, ngân hàng trung ương Philippines (BSP) để ngỏ sẽ hành động mạnh tay hơn nữa để kiềm chế áp lực lạm phát và giải cứu đồng peso.

Kênh CNBC dẫn lời nhà kinh tế Michael Ricafort của ngân hàng Rizal Commercial ở Manila, cho biết BSP muốn hỗ trợ hoặc ít nhất là ổn định tỉ giá hối đoái của đồng peso. Đầu tuần này, đồng peso rớt giá kỷ lục so với đồng USD trước khi phục hồi đôi chút. Trong khi đó, lạm phát ở Philippines trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 4 năm qua và được dự báo sẽ còn tăng nữa.

Singapore cũng thắt chặt chính sách tiền tệ hôm 14-7, với cùng mục đích kìm hãm đà tăng của lạm phát. Đồng đô-la Singapore (SGD) tăng mạnh sau bước đi trên và có lúc 1 SGD đổi được 0,71 USD.

Đây là lần thắt chặt thứ tư của Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS). Cũng theo MAS, trong năm nay, tăng trưởng GDP của đảo quốc sư tử dự kiến rơi vào nửa dưới của phạm vi dự báo 3%-5% trong khi lạm phát lõi có thể đạt mức 3%-4% (tăng so với mức 2,5%-3,5% dự báo trước đó).

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Ottawa – Canada hôm 13-7 Ảnh: REUTERS

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, ngân hàng trung ương Malaysia vừa tăng lãi suất cơ bản lần thứ hai liên tiếp hồi tuần trước, còn Indonesia có thể hành động tương tự ngay trong quý này nhưng mức tăng sẽ không cao, theo Reuters.

Mở rộng ra ngoài khu vực, các ngân hàng trung ương của New Zealand và Hàn Quốc cũng vừa tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hôm 13-7 trong khi Canada gây sốc khi tăng tới 100 điểm cơ bản.

Trang Global News đưa tin với mức tăng cao nhất kể từ năm 1998 này, lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương Canada hiện chạm mốc 2,5%.

Thống đốc ngân hàng này, ông Tiff Macklem, nhấn mạnh mức tăng “khủng” trên phản ánh “tình hình kinh tế đang rất bất thường” và “lạm phát đang quá cao”, đồng thời cảnh báo lãi suất sẽ còn tăng thêm cho tới khi tình hình ổn định.

Cùng ngày 13-7, người dân ở nước láng giềng của Canada là Mỹ choáng váng trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, bởi điều này đồng nghĩa giá cả hàng loạt mặt hàng tiếp tục tăng mạnh. Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, đây là mức tăng nhanh nhất của lạm phát kể từ tháng 11-1981.

Ông Robert Frick, nhà kinh tế tại ngân hàng Navy Federal Credit Union (Mỹ), bình luận: “Dù CPI tăng phần nhiều là do giá năng lượng và thực phẩm tăng song áp lực giá cả sẽ tiếp tục dồn lên các dịch vụ và hàng hóa nội địa, từ lĩnh vực nhà ở, xe cộ đến hàng may mặc”.

Với tình hình lạm phát thế này, theo CNBC, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp ngày 26 và 27-7 tới.

Theo AP, gần phân nửa mức tăng của lạm phát tại Mỹ tháng rồi là do giá năng lượng tăng cao hơn trước. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng đã tăng gần 60% và giá điện tăng 13,7%. Dù vậy, đã có dấu hiệu các chỉ số lạm phát sẽ giảm xuống trong tháng 7, bởi giá xăng đã giảm sau khi đạt đỉnh vào tháng 6, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.

Sau thông tin mới nhất nói trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định “kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi”. Bên cạnh việc lặp lại lời kêu gọi các công ty xăng dầu hạ giá bán, ông chủ Nhà Trắng dự kiến sẽ bàn về giá dầu trong chuyến thăm Trung Đông đang diễn ra. 

Con dao hai lưỡi

Lần đầu tiên trong 20 năm, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD, với gần 1 euro đổi được 1 USD trong phiên giao dịch hôm 14-7 (giờ địa phương).

Thoạt nghe thông tin trên có vẻ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ nhưng giới phân tích cho rằng đó có thể là con dao hai lưỡi. Nếu đồng USD quá mạnh, nó có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ, vì hàng hóa của họ sẽ đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Theo tờ USA Today, trong trường hợp doanh số xuất khẩu của Mỹ giảm, kinh tế Mỹ sẽ chững lại. Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Phân tích Moody’s Analytics (Mỹ), ước tính đồng USD đã tăng 10% trong năm qua so với các đồng ngoại tệ của các đối tác thương mại, khiến lạm phát giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm.

Chuyên gia Zandi nhận định: “Nếu Mỹ là một nhà nhập khẩu, đồng USD tăng giá là điều tốt nhưng đó lại là điều xấu trên toàn cầu. Như ở châu Âu, hoặc Anh, Úc, thậm chí là Canada, họ phải chi nhiều hơn để mua hàng từ Mỹ. Điều này làm tăng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu”. Ông Zandi dự báo sự tăng giá của đồng USD so với đồng euro sẽ kéo dài trong 1-2 năm nữa.

Bên cạnh đó, đồng bạc xanh mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ đang kinh doanh ở nước ngoài. Điều này khiến doanh thu nước ngoài của các công ty Mỹ có giá trị thấp hơn khi quy đổi sang USD và chuyển về Mỹ.

Các nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính UniCredit (Ý) cho rằng nỗi lo về suy thoái kinh tế thế giới là động lực chính trên thị trường ngoại hối. Họ cũng lưu ý vai trò của đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn được công nhận trên toàn cầu giữa lúc thị trường tài chính bất ổn, đây cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với đồng USD.

Xuân Mai


HẢI NGỌC