Đảng phái chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha gặp thất bại nặng nề. Đảng Bhumjaithai của Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul đứng thứ 3, sau Đảng Tiến bước (MFP) và Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai).

Nhìn vào kết quả bầu cử này, có thể thấy được đa số cử tri ở Thái Lan muốn thay đổi chính phủ và muốn có thời kỳ chính trị mới. Phe cầm quyền từ năm 2014 với sự chống lưng của giới quân sự hiện không được nhiều cử tri ủng hộ.

Giống như ở cuộc bầu cử quốc hội năm 2019, cử tri Thái Lan trong cuộc bầu cử năm nay muốn phe đối lập thắng cử và thành lập chính phủ, muốn đất nước có chính phủ dân cử phản ánh ý nguyện của cử tri thông qua phiếu bầu.

Lãnh đạo một số đảng, trong đó có MFP, tại cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok – Thái Lan hôm 22-5 Ảnh: REUTERS

Nhưng ở Thái Lan, phe thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội không chắc chắn sẽ cầm quyền. Năm 2019, phe đối lập thắng cử nhưng ông Prayut Chan-ocha thành lập chính phủ mới và tiếp tục cầm quyền. Nguyên do nằm ở cấu trúc hiến pháp hiện hành, theo đó quy định hệ thống nghị viện Thái Lan bao gồm Thượng viện và Hạ viện.

Hạ viện có 500 dân biểu và do cử tri trực tiếp bầu ra. Thượng viện có 250 thành viên được bổ nhiệm. Thủ tướng chính phủ được Thượng viện, Hạ viện họp chung bầu và ứng cử viên phải giành được ít nhất 376 phiếu để trở thành thủ tướng.

  • Thái Lan sẽ có chính phủ liên minh 8 đảng?

Trong cuộc bầu thủ tướng Thái Lan năm 2019, chỉ có 1 trong số 250 thành viên Thượng viện không bỏ phiếu bầu ông Prayut Chan-ocha. Hiện tại, 2 đảng phái chính trị đối lập lớn nhất nói trên đã liên minh được với 7 đảng phái chính trị nhỏ hơn để thành lập chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, phe này hiện chỉ nắm 313 ghế ở Hạ viện, tức là vẫn cần phiếu bầu của một số lượng nhất định thành viên Thượng viện.

Vì thế, ai sẽ trở thành thủ tướng và phe nào nắm quyền ở Thái Lan hiện là câu hỏi chưa thể có được câu trả lời. Kết cục cuối cùng vì thế hiện vẫn bất định. Phía thắng cử vẫn có thể trắng tay như lần trước. Kết quả bầu cử chính thức được công bố sau 60 ngày. Sau đó quốc hội mới họp, bầu chủ tịch quốc hội và tiến hành bầu thủ tướng.

Kết cục cuối cùng vẫn bất định vì ở đất nước này còn có 3 tác nhân khác quyết định quyền lực là giới quân sự, hoàng gia và tòa án. Phe đối lập tuy thắng cử vang dội nhưng việc thành lập chính phủ liên hiệp mới sẽ vô cùng khó khăn và triển vọng thành lập chính phủ thành công rất mong manh.

Bản thân phe này chắc hẳn cũng ý thức được điều ấy. Họ tận dụng cơ hội từ thắng cử để thành lập chính phủ liên hiệp hợp pháp và để thống nhất quan điểm, phối hợp hành động trọng Hạ viện.

Ông Charnvirakul nhiều khả năng sẽ được dồn phiếu để trở thành thủ tướng nhưng chính phủ mới này lại chỉ là chính phủ thiểu số nên sẽ rất khó khăn nếu cầm quyền bởi không có đa số trong Hạ viện. 


Ngải Sa