Ngay khi ngày bầu cử Mỹ chính thức kết thúc, Tổng thống Donald Trump thông qua mạng xã hội Twitter tuyên bố ông sẽ tái đắc cử, đồng thời cáo buộc Đảng Dân chủ “đang nỗ lực đánh cắp” chiến thắng của ông.

“Chúng ta sẽ thắng vang dội nhưng họ đang nỗ lực cướp cuộc bầu cử. Chúng ta sẽ không bao giờ để họ làm điều đó” – Tổng thống Trump khẳng định vào rạng sáng 4-11, không lâu sau khi ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden thể hiện sự lạc quan với khả năng đắc cử của mình.

Đến 2 giờ 30 phút sáng 4-11 (giờ địa phương), trong lúc phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump mô tả kết quả bầu cử là “phi thường”. Sau khi nói về các bang chiến địa như Bắc Carolina, Arizona, Texas và Florida, ông chủ Nhà Trắng nói đến Pennsylvania, khẳng định rằng: “Chúng ta đang thắng lợi tại Pennsylvania với lượng phiếu chênh lệch khổng lồ… gần như không thể san bằng”.

Những tuyên bố trên được Tổng thống Trump đưa ra giữa lúc nhiều bang chiến địa có thể quyết định số phận của cuộc đua vào Nhà Trắng 2020, trong đó có Pennsylvania, vẫn đang đếm phiếu. Hãng tin AP khẳng định họ vẫn chưa thể dự đoán người thắng cuộc vì kết quả còn quá sít sao, khi ông Biden giành được 238 phiếu đại cử tri, chỉ nhiều hơn Tổng thống Trump 25 phiếu. Ứng viên đầu tiên giành được 270 phiếu đại cử tri (trong tổng số 538 phiếu) sẽ chiến thắng.

Về phần mình, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Biden khẳng định cuộc đua vẫn chưa kết thúc cho đến khi “mọi lá phiếu được đếm”, nhưng tuyên bố thêm rằng “chúng ta đang trên đường đến chiến thắng”.

Kéo dài nhiều ngày

Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa và hoạt động bỏ phiếu đã khép lại trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, luật bầu cử ở các bang yêu cầu mọi lá phiếu được đếm và quá trình này thường diễn ra trong nhiều ngày. Năm nay, hoạt động đếm phiếu nhiều khả năng mất nhiều thời gian hơn mọi năm, đặc biệt là khi lượng cử tri bỏ phiếu qua thư đạt mức cao chưa từng có vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Người dân theo dõi kết quả bầu cử trực tiếp tại TP Washington – Mỹ hôm 3-11Ảnh: REUTERS

Ngay khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào tối 3-11, giới chức 3 bang chiến địa Wisconsin, Michigan và Pennsylvania cho biết họ không thể công bố kết quả ngay trong đêm. Theo Tạp chí Newsweek, nhiều khả năng phải đến ngày 6-11, kết quả bầu cử tại Pennsylvania mới được công bố.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này là sự gia tăng đột biến của lượng cử tri bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt. Tại Pennsylvania – nơi được nhận định là sẽ quyết định kết quả bầu cử năm nay, quá trình xử lý phiếu bầu vắng mặt chỉ mới được bắt đầu trong sáng 3-11. Theo Dự án Bầu cử Mỹ thuộc Trường ĐH Florida, hơn 2,5 triệu cử tri ở Pennsylvania đã bỏ phiếu qua thư, chiếm gần 25% tổng số người đăng ký bỏ phiếu tại bang này.

Thậm chí, tại một số bang được tuyên bố là đã trao chiến thắng cho ứng viên này hoặc ứng viên kia, giới chức đã kêu gọi người dân không nên xem kết quả chưa chính thức là kết quả cuối cùng. Ở một số cuộc đua khốc liệt, khoảng cách điểm số sít sao có thể dẫn đến các cuộc chiến pháp lý, khiến việc công bố người giành chiến thắng chính thức bị trì hoãn.

Chờ thắng lợi chung cuộc

Kết thúc ngày bầu cử chính thức với tỉ số 238-213 phiếu đại cử tri nghiêng về ông Biden trong khi còn 6 bang chiến địa chưa công bố kết quả. Nếu ứng viên của Đảng Dân chủ có thể giành chiến thắng tại Nevada và Wisconsin, một chiến thắng bất kỳ tại các bang còn lại, gồm Bắc Carolina (15 phiếu), Georgia (16 phiếu), Michigan (16 phiếu) và Pennsylvania (20 phiếu), sẽ mang đến thắng lợi chung cuộc cho ông.

Ở chiều hướng ngược lại, nếu Tổng thống Trump giành chiến thắng tại cả 3 bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania như hồi 2016, ông nhiều khả năng sẽ tiếp tục trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu ông Trump chỉ thắng bang Pennsylvania, cuộc bầu cử năm nay sẽ do các bang khác quyết định.

Nhìn chung, bầu cử Mỹ 2020 vẫn có thể diễn ra theo nhiều kịch bản, từ ông Trump tái đắc cử đến ông Biden chiến thắng và bất phân thắng bại, tức mỗi người đều giành được 269 phiếu đại cử tri hoặc không ai giành đủ 270 phiếu. Trong trường hợp này, số phận cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 sẽ do Hạ viện Mỹ định đoạt.

Khi đó, phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang sẽ tập trung tại bang của họ để bầu chọn tổng thống, tức rơi vào ngày 14-12 năm nay. Họ sẽ được trao một phiếu bầu và một cuộc bỏ phiếu nội bộ sẽ quyết định tấm phiếu này thuộc về ai. Một ứng viên cần sự ủng hộ từ 26 phái đoàn hạ nghị sĩ, tức 26 phiếu, để trở thành tổng thống.


Cao Lực

Chia sẻ