Quyết định của OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường năng lượng trong bối cảnh giá dầu vẫn còn biến động mạnh. Giới chuyên gia dự báo OPEC+ vẫn duy trì hướng đi tăng sản lượng tại cuộc họp nói trên. Trong cuộc họp vào tháng trước, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày.

Thông báo của OPEC+ được đưa ra giữa lúc căng thẳng về năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang, khiến nhiều nước châu Âu lo ngại kịch bản suy thoái và thiếu khí đốt vào mùa đông.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm 6-9 khẳng định Moscow sẽ tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á nhằm đối phó kế hoạch áp trần giá dầu Nga của G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, Nhật Bản).

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở TP Vladivostok – Nga, theo Reuters, ông Shulginov cảnh báo hành động áp trần giá dầu Nga sẽ chỉ khiến giá dầu thêm biến động.

Một tàu chở dầu neo đậu gần thành phố cảng Nakhodka – Nga hồi tháng 8 Ảnh: REUTERS

Trước đó, các bộ trưởng tài chính G7 hôm 2-9 đã nhất trí về kế hoạch thực hiện cơ chế áp giá trần đối với dầu xuất khẩu từ Nga. Theo G7, đề xuất này nhằm hạn chế khả năng Nga cấp tiền cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cũng như bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước giá năng lượng tăng cao.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo bước đi này có thể phản tác dụng nếu các nước tiêu thụ nhiều dầu, như Trung Quốc và Ấn Độ, không tham gia.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri hôm 5-9 cho biết nước này vẫn đang thận trọng cân nhắc xem có nên ủng hộ đề xuất của G7 hay không, nhất là khi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề này.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Puri cho rằng hiện chưa rõ nước nào tham gia đề xuất và tác động tiềm tàng của nó đối với các thị trường năng lượng. Quan chức này nói thêm Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và phần lớn lượng dầu này đến từ Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tính đến cuối tháng 3 năm nay, Nga chỉ chiếm khoảng 0,2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. 


Xuân Mai