Một đám đông chen nhau để vào sân bay quốc tế Hamid Karzai đã tập trung tại Cổng Abbey, lối vào chính do thủy quân lục chiến Mỹ và các lực lượng khác kiểm soát. Các binh sĩ Mỹ biết rằng họ có thể bị nhắm đến vì 1 ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng sẽ có nguy hiểm ở 3 cửa sân bay, nơi hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đang hoạt động để sơ tán hơn 100.000 người. Cửa Abbey có tên trong danh sách này. 

Các quan chức Mỹ cho biết nhân viên an ninh sân bay đã đóng 2 cửa và quyết định mở cửa Abbey. Vào ngày 25-8, các chỉ huy Taliban và các tay súng kiểm soát dọc tuyến đường sân bay đã hai lần đẩy lùi đám đông đang ngày càng tăng lên. Đến lần thứ 3, một kẻ khác đã trà trộn vào đám đông.

Vào lúc 17 giờ 48 phút, kẻ đánh bom mang theo 11 kg thuốc nổ đi đến chỗ nhóm người Mỹ đang chạy loạn với hi vọng vào được sân bay. Các quan chức cho biết hắn ta đã chờ đợi cho đến ngay trước khi sắp bị binh sĩ Mỹ khám xét người. Lúc này, hắn kích nổ, chết ngay lập tức và kéo theo hàng chục người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ. 

Thủy quân lục chiến Mỹ đứng canh gác quanh sân bay quốc tế Hamid Karzai vào ngày 22-8. Ảnh: NY Times

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn đang ghép nối các chuỗi sự kiện diễn ra tại cửa Abbey hôm 26-8. Sẽ có những đánh giá với danh sách chi tiết điều gì đã dẫn đến sự việc đó và những câu hỏi như: Tại sao lại có nhiều nhóm quân nhân đứng quá gần nhau? Làm thế nào mà kẻ đánh bom tránh được các trạm kiểm soát của Taliban? Có phải ai đó đã cho hắn ta đi qua?

Khi mức độ thiệt hại trở nên rõ ràng hơn, các quan chức y tế tại Kabul thông báo số người chết lên đến ít nhất 170 người. Những người Afghanistan đang tìm cách thoát khỏi sự cai trị của Taliban tiếp tục đổ về sân bay vào ngày 27-8, nhưng quy mô của đám đông chỉ khoảng hàng trăm, giảm so với hàng nghìn người đã ở đó khi vụ nổ xảy ra. Sân bay hầu như vẫn bị đóng cửa mặc dù các chuyến bay sơ tán vẫn tiếp tục.

Ngay sau khi quả bom nổ, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các chiến đấu cơ gần đó đã bắt đầu khai hỏa. Các quan chức nói rằng một số người Mỹ và Afghanistan tại cổng Abbey có thể đã bị trúng đạn. Có nhiều sự nhầm lẫn về hậu quả của vụ nổ đến mức ban đầu quân đội báo cáo rằng một vụ đánh bom liều chết thứ hai đã xảy ra tại khách sạn Baron gần đó. Thông tin này hóa ra không đúng. 

Với trọng lượng 11 kg, chiếc áo vest mà kẻ đánh bom tự sát mặc đã gây ra thiệt hại không thể kể xiết. Theo thông tin của Quân đội Mỹ, những kẻ đánh bom liều chết thường đeo một chiếc thắt lưng chứa 4,5 kg chất nổ trở xuống, hoặc một chiếc áo vest chứa 4,5 kg đến 9 kg chất nổ.

Trước thời hạn 31-8, quân đội Mỹ được cho là đã phá hủy trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tại Kabul. Tờ New York Times đưa tin động thái trên diễn ra vào ngày 26-8, chỉ vài giờ sau khi vụ đánh bom tự sát ngoài sân bay Kabul xảy ra.

Theo các báo cáo, một vụ nổ có kiểm soát đã được sử dụng để làm nổ tung Căn cứ Eagle, nơi các lực lượng chống khủng bố và cơ quan tình báo Afghanistan được huấn luyện. Người Mỹ đã phá bỏ căn cứ chứa các thiết bị và dữ liệu còn lại để phòng trường hợp bị rơi vào tay của Taliban. Tuy nhiên, CIA từ chối bình luận về thông tin trên.


Bảo Hạnh

Chia sẻ