Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu Hankuk Chemi lúc 10 giờ (giờ địa phương) hôm 4-1 “do nhiều lần vi phạm luật môi trường biển”, cáo buộc mà chủ hãng tàu này bác bỏ.

Ngay sau vụ việc, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc triển khai tàu khu trục ROKS Choi Young đến vùng biển gần eo biển Hormuz. Song song đó, Hàn Quốc cử phái đoàn đến Iran sớm nhất trong ngày 5-1 với nỗ lực đem lại tự do cho con tàu.

Vụ việc diễn ra trước thềm chuyến thăm Tehran của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun, dự kiến vào ngày 10-1. Trọng tâm của chuyến đi nhằm thảo luận việc trả lại khoản tiền 7 tỉ USD của Iran bị đóng băng tại các ngân hàng Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tờ Tehran Times (Iran) hồi tuần trước đưa tin Iran đang hy vọng đàm phán một thỏa thuận cho phép đổi số tiền bị đóng băng lấy vắc-xin ngừa dịch Covid-19 và các mặt hàng khác. Theo hãng tin Yonhap, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Iran bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc là để buộc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này, đồng thời yêu cầu Iran thả tàu ngay.

Đáp lại, phía Iran khẳng định vụ bắt giữ là vấn đề kỹ thuật và các quan chức tư pháp nước này sẽ xử lý. Theo chính quyền Iran, 20 thủy thủ gồm công dân Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Myanmar đang bị giữ tại thành phố cảng Bandar Abbas đều an toàn.

Tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc bị Iran bắt giữ ở vùng Vịnh hôm 4-1 Ảnh: REUTERS

Không lâu sau đó, Iran bất ngờ thông báo nối lại hoạt động sản xuất uranium được làm giàu ở cấp độ 20% tại cơ sở ngầm Fordow ở TP Qom, vượt mức cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Theo hãng tin AP, các quan chức quân sự Mỹ đang lo ngại Iran sẽ tấn công bên trong Iraq hoặc ở những nơi khác tại vùng Vịnh, dẫn đến hành động trả đũa của Tổng thống Donald Trump, từ đó châm ngòi cuộc chiến quy mô lớn. Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã điều máy bay ném bom B-52 đến vịnh Ba Tư, đồng thời đảo ngược lệnh rút tàu sân bay USS Nimitz về nước.

Dù từ chối bình luận nhưng đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden đã đề ra cách tiếp cận với Tehran trên phạm vi rộng, trong đó ưu tiên yêu cầu Iran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế.

Các động thái mới nhất của Iran cùng phản ứng cứng rắn từ chính quyền ông Trump không chỉ gây phức tạp hoạt động ngoại giao mà còn tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Trong trường hợp Trung Đông không hạ nhiệt, chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc xoay trục quân sự mạnh mẽ hơn về phía Nga và Trung Quốc. 


Xuân Mai

Chia sẻ