Đến thời điểm hiện tại, theo đài CNN, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,7 triệu ca nhiễm, hơn 70.000 ca tử vong.

Giới quan sát cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 2 nhiều khả năng vẫn chưa đạt đỉnh tại quốc gia này. Ngoài Delta, Indonesia còn đối mặt với những thách thức liên quan đến tin giả trong khi tỉ lệ tiêm phòng của họ chưa đến 6%.

Trong phần lớn thời gian năm 2020, Indonesia kiểm soát Covid-19 tương đối thành công, trước khi số ca nhiễm bắt đầu gia tăng vào tháng 6 năm nay, khiến hệ thống y tế quá tải. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) khi đó cảnh báo Indonesia đang “trên bờ vực thảm họa Covid-19”.

Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin, quốc gia của ông chứng kiến xu hướng Covid-19 tăng mạnh sau các mùa lễ hội vì biến thể Delta. Indonesia ban bố lệnh phong tỏa vào ngày 10-7, khi số ca nhiễm hằng ngày đến thời điểm đó đã là hơn 30.000.

Chính phủ Indonesia tuyên bố “huy động mọi nguồn lực” để dập dịch, song giới chuyên gia khẳng định quốc gia này đang trả giá đắt vì phong tỏa chậm trễ.

Người dân địa phương đeo khẩu trang, xếp hàng chờ nhận ôxy tại thủ đô Jakarta – Indonesia hôm 15-7 Ảnh: REUTERS

Khủng hoảng Covid-19 tại Indonesia đang diễn biến tương tự làn sóng lây nhiễm thứ 2 của Ấn Độ, khi tình trạng thiếu ôxy buộc bệnh nhân di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để được chăm sóc y tế.

Tổng thống Joko Widodo tuần rồi nhấn mạnh hy vọng chính của Indonesia trong nỗ lực chống Covid-19 là vắc-xin. Tuyên bố này được đưa ra 1 ngày sau khi Indonesia nhận được hơn 3 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, lên tổng cộng hơn 14 triệu liều thông qua COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu). Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng triệu người đã mắc Covid-19, sự xuất hiện của lượng vắc-xin này là quá chậm trễ.

Trong khi đó, Công báo Hoàng gia Thái Lan Royal Gazette ngày 18-7 tuyên bố quốc gia này đã mở rộng lệnh phong tỏa sang 3 tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao. Kể từ ngày 20-7, người dân tại các tỉnh này sẽ không được phép ra ngoài trừ những trường hợp cần thiết, lệnh giới nghiêm (từ 21 giờ đến 4 giờ hôm sau) cũng sẽ được áp dụng trong khi các điểm kiểm tra an ninh được thiết lập để ngăn người dân ra khỏi tỉnh.

Đây vốn là các biện pháp hạn chế đã được áp dụng tại Bangkok và 9 tỉnh khác từ ngày 12-7. Thái Lan đang đối mặt đợt bùng phát nghiêm trọng nhất, với 11.397 ca nhiễm và 101 ca tử vong tính riêng ngày 18-7, lên tổng cộng 401.386 ca nhiễm và 3.341 ca tử vong kể từ khi đại dịch khởi phát.

Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh, Thái Lan ngày 16-7 ban bố lệnh cấm tụ tập công cộng trên toàn quốc, với mức phạt tối đa 2 năm tù giam hoặc 1.220 USD đối với những cá nhân vi phạm.

Chương trình tiêm chủng của quốc gia này hiện vẫn chưa thể tăng tốc vì thiếu nguồn cung. Đến giờ, tỉ lệ dân số được tiêm phòng đầy đủ tại Thái Lan chỉ là 5% và giới chức nước này tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu vắc-xin AstraZeneca sản xuất nội địa để đáp ứng nhu cầu trong nước. 


CAO LỰC

Chia sẻ