Reuters hôm 24-2 cho biết trong một cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói: “Sau khi tính đến các diễn biến hiện tại và thông tin từ các nước ASEAN khác, đây không phải là thời điểm lý tưởng để thực hiện chuyến thăm tới Myanmar”.

Bà Marsudi đang ở Thái Lan, dự kiến ​​đáp máy bay tới Myanmar nhưng chuyến đi này đã bị huỷ bỏ. Liên minh Quốc gia Tương lai (FNA), một nhóm hoạt động đặt trụ sở tại Myanmar, nói rằng chuyến thăm của bà Marsudi sẽ “gián tiếp công nhận chính quyền quân sự”.

Nhóm này yêu cầu các quan chức nước ngoài gặp gỡ thành viên của ủy ban đại diện cho các nghị sĩ Myanmar bị lật đổ, Htin Lin Aung. Người này được bổ nhiệm làm quan chức duy nhất chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: Reuters

Hôm 24-2, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trên đường phố ở Myanmar nhằm phản đối sự cai trị của chính quyền quân sự. Trước đó, các cuộc biểu tình diễn ra với quy mô nhỏ, đáng chú ý là cuộc biểu tình tại trung tâm thương mại Yangon với nhân viên Bộ Năng lượng tham gia.

San Aung Li, 26 tuổi, thành viên dân tộc thiểu số Kachin, cho biết: “Những người dân tộc thiểu số chúng tôi không có cơ hội để đòi hỏi quyền lợi của mình nhưng bây giờ chúng tôi đã làm. Tôi ủng hộ cuộc biểu tình”.

Theo Reuters, Indonesia đang tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Nước này đề xuất Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên cử người giám sát để đảm bảo quân đội Myanmar tuân thủ lời hứa tổ chức bầu cử công bằng.

Quân đội Myanmar chưa đưa ra khung thời gian bầu cử nhưng áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm sau khi đảo chính hôm 1-2 nên rất có thể cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau đó. Nhưng đảng của bà Aung San Suu Kyi – đang bị bắt giữ – yêu cầu công nhận chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử hôm 8-11-2020. Quân đội Myanmar cho rằng cuộc bầu cử này xảy ra gian lận.

Hôm 23-2, hàng trăm người biểu tình tập hợp bên ngoài Đại sứ quán Indonesia ở TP Yangon để phản đối chính quyền quân sự, đồng thời kêu gọi công nhận kết quả bầu cử năm ngoái.

Những nỗ lực của Indonesia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar diễn ra trong bối cảnh mối quan tâm của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng. Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã lên án việc đe dọa và đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính: “Bất kỳ ai phản ứng lại các cuộc biểu tình ôn hòa bằng bạo lực đều phải giải trình”.

Nhiều nước phương Tây cũng tìm cách gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar trong tuần này.  Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo họ đang xem xét lệnh trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.

Ngoài ra, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với thêm 2 tướng lĩnh Myanmar và đe doạ hành động nhiều hơn.

Còn Trung Quốc cho rằng hành động quốc tế sẽ góp phần tạo nên sự ổn định, thúc đẩy hòa giải và tránh làm phức tạp tình hình ở Myanmar.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ