Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới công bố hôm 30-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên 2,9% trong năm nay, cao hơn 0,2 điểm % so với dự báo công bố hồi tháng 10-2022. Tuy nhiên, theo IMF, mức tăng trưởng này vẫn thấp so với con số 3,4% năm 2022.

Lý do, theo IMF, là nhu cầu phục hồi đáng ngạc nhiên ở Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm cùng với nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nhận định rủi ro suy thoái đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt tiến triển trong việc kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo những gián đoạn mới có thể xảy ra do xung đột Nga – Ukraine và cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Trang Nikkei Asia nhận định dự báo mới nhất của IMF tỏ ra bớt bi quan hơn so với báo cáo trước đó, với triển vọng tăng trưởng được cải thiện tại nhiều khu vực. Ngoài ra, một số rủi ro, như tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine và lạm phát cao, cũng bớt nghiêm trọng hơn trước.

Một siêu thị tại thủ đô Tokyo – Nhật Bản. IMF dự báo kinh tế nước này tăng trưởng 1,8% năm nay, tăng 0,2 điểm % so với dự báo trước đó Ảnh: Reuters

Theo Reuters, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên tích cực hơn nhờ tình hình một số nước hiện tốt hơn kỳ vọng. Chẳng hạn như với Mỹ, IMF dự báo nền kinh tế hàng đầu thế giới này tăng trưởng 1,4% (so với mức 1% trước đó) trong năm 2023.

Theo ông Gourinchas, kinh tế Mỹ trải qua quý III/2022 ấn tượng với thị trường lao động, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ trong khi sức ép lạm phát không còn lớn như trước và khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Ngoài ra, việc Trung Quốc gần đây mở cửa lại nền kinh tế được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2023 lên mức 5,2%, so với mức 4,4% trước đó.

Tuy nhiên, theo trang Nikkei Asia, một rủi ro khó lường là nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc khi nước này mở cửa lại. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể còn đối mặt với sự suy yếu dai dẳng của nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.

Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn mạnh mẽ khi IMF giữ nguyên dự báo nước này tăng trưởng 6,1% trong năm nay. Theo ông Gourinchas, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng góp trên 50% tăng trưởng toàn cầu năm 2023.

Bên cạnh đó, đồng USD yếu hơn cũng cải thiện triển vọng của các nền kinh tế mới nổi đang gánh khoản nợ bằng ngoại tệ. IMF cũng ước tính khoảng 84% quốc gia sẽ đối mặt với lạm phát thấp hơn trong năm nay so với năm 2022 nhưng vẫn dự báo tỉ lệ lạm phát trung bình là 6,6% trong năm 2023 và 4,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, IMF cảnh báo giá năng lượng và lương thực có thể leo thang nếu xung đột Nga – Ukraine thêm nghiêm trọng.

Đáng chú ý, Anh dự kiến là quốc gia duy nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chứng kiến nền kinh tế suy giảm trong năm nay. Theo IMF, GDP Anh sẽ giảm 0,6% trong năm 2023, so với mức tăng trưởng 0,3% đưa ra hồi tháng 10-2022.

Anh quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tăng vọt sau khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra vì nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện. Ngoài ra, nước này còn đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế. 

Nhóm ASEAN-5 trúng đòn

Cũng theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Singapore và một số nền kinh tế Đông Nam Á khác trong năm 2023 do tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế không đủ bù đắp ảnh hưởng từ tình trạng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Theo ông Gourinchas, đối với nhiều nền kinh tế châu Á cởi mở với thương mại quốc tế, sự chậm lại của hoạt động toàn cầu sẽ là yếu tố chi phối mạnh mẽ.

Theo dự báo mới nhất của IMF, GDP Singapore trong năm 2023 là 1,5%, so với mức 2,3% được đưa ra hồi tháng 10-2022. Trong khi đó, đối với nhóm 5 nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines (gọi là ASEAN-5), IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 4,5% xuống 4,3%. Sang năm 2024, theo IMF, nhóm này sẽ tăng trưởng 4,7%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo trước đó.

Ông Daniel Leigh, chuyên gia của IMF, nhận định với Reuters rằng tình trạng phân cực địa chính trị vẫn tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của các nước ngay cả khi một số nền kinh tế được hưởng lợi từ việc chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Phương Võ


Xuân Mai