Đó là một trong những phát hiện đáng chú ý của Báo cáo Hạnh phúc thế giới (WHR) 2022 được Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 18-3, tức 2 ngày trước ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Chuyên gia John Helliwell của Trường ĐH British Columbia (Canada), một trong 3 biên tập viên sáng lập báo cáo, nói với đài CNN rằng những hoạt động đóng góp từ thiện, giúp đỡ người lạ và tham gia công tác thiện nguyện đều tăng mạnh trên khắp thế giới trong năm 2021.

Một điểm sáng khác là mức độ lo âu và căng thẳng đã giảm trong năm thứ 2 của đại dịch. So với trước đại dịch, chỉ số này tăng 8% trong năm 2020 nhưng chỉ tăng 4% vào năm 2021. Giải thích về kết quả này, ông Helliwell cho rằng mọi người đã biết họ cần làm gì để đối phó với dịch Covid-19 trong năm thứ 2, ngay cả khi có những bất ngờ mới ập đến.

Người dân tập trung tại thủ đô Helsinki để ăn mừng chiến thắng của thể thao Phần Lan tại Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc vào tháng rồi Ảnh: Reuters

Tương tự 4 năm trước đó, Phần Lan năm nay tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng của WHR. Quốc gia Bắc Âu này cùng các nước láng giềng Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Iceland đều đạt điểm rất cao trong các tiêu chí được WHR sử dụng làm thước đo hạnh phúc, gồm tuổi thọ khỏe mạnh, GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và niềm tin xã hội, mức độ rộng lượng của cộng đồng, người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống…

Đan Mạch năm nay đứng thứ 2, theo sau là Iceland. Thụy Điển và Na Uy lần lượt đứng thứ 7 và 8. Vị trí 15, 16 và 17 lần lượt thuộc về Canada, Mỹ và Anh.

Ở vị trí 146, Afghanistan đứng cuối bảng xếp hạng. Ông Jan-Emmanuel De Neve, một biên tập viên khác của báo cáo, nhấn mạnh đây là lời nhắc nhở về những tổn hại vật chất và tinh thần mà chiến tranh gây ra đối với nhiều nạn nhân. Trong 5 vị trí cuối cùng, ngoài Afghanistan còn có Lebanon, Zimbabwe, Rwanda và Botswana.

WHR được công bố lần đầu tiên vào tháng 4-2012. Theo các tác giả, WHR hằng năm tổng hợp dữ liệu những khảo sát từ 3 năm trước đó để có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn.

Điều này đồng nghĩa các khảo sát được sử dụng cho báo cáo năm nay được tiến hành trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Theo WHR mới nhất, Ukraine và Nga và đều xếp ở nửa sau của bảng xếp hạng, lần lượt ở vị trí 98 và 80. 


Cao Lực