Qua 2 ngày với 8 phiên thảo luận thẳng thắn, khoa học, các chuyên gia nhận định trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do đại dịch và cạnh tranh nước lớn, tình hình tại biển Đông và khu vực thời gian qua tiếp tục phức tạp với sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng (thông qua liên minh QUAD, AUKUS) và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…

Các học giả tham dự đều nhấn mạnh việc xây dựng trật tự trên biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Nhiều học giả khẳng định vai trò của phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện biển Đông năm 2016 về việc thu hẹp tranh chấp và làm rõ cơ sở pháp lý đối với một số vấn đề tại vùng biển này như hoạt động dầu khí, xác định đường cơ sở đối với thực thể trên biển Đông và bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia từ Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã có thảo luận thẳng thắn về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp biển Đông và ý nghĩa của chúng đối với chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa. Một số dữ kiện lịch sử mới công bố cho thấy cho tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. 

Ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn. Đặc biệt, năm 2021 là tròn 70 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco 1951, các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định hiệp ước không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp phục hồi tuyến đường biển như tăng độ phủ vắc-xin Covid-19, thay đổi chính sách đối phó đại dịch, thống nhất quy định phòng dịch giữa các tổ chức quốc tế, các quốc gia. Hội thảo còn chia sẻ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển cũng như xu hướng phát triển của công nghệ giám sát. 


Dương Ngọc

Chia sẻ