Tổng thống Singapore Halimah Yacob ngày 19-10 nhấn mạnh Singapore sẽ đồng hành với TP HCM trong kế hoạch phát triển sắp tới.

Thu hút ngoại lực

Trong buổi tiếp Tổng thống Singapore Halimah Yacob tại Hội trường Thống Nhất tối 19-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn của thành phố được hợp tác với Singapore, qua đó rút kinh nghiệm từ nước đi trước để có thể thực hiện những dự án cụ thể nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển đã đề ra.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết mục tiêu của thành phố vào năm 2025 là sẽ trở thành đô thị thông minh, dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, TP HCM sẽ trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, để đạt được những mục tiêu trong tương lai, TP HCM cần thêm ngoại lực. Các chương trình hợp tác giữa TP HCM và các bộ, ngành, doanh nghiệp Singapore trong thời gian qua rất tích cực và mang lại nhiều tiềm năng rất lớn. Hiện, dư địa của các chương trình, hoạt động giữa hai bên còn rất nhiều, do vậy rất cần tiếp tục triển khai và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác có chiều sâu và mang tính lâu dài.

Tổng thống Singapore tin rằng những chính sách và mục tiêu của thành phố đặt ra trong tương lai sẽ giúp cho hoạt động đầu tư của TP HCM trở nên đa dạng hơn nữa và có thể giúp thành phố phát triển mạnh mẽ.

Tổng thống Halimah Yacob cho biết bà đã gặp gỡ các doanh nghiệp Singapore tại TP HCM và họ nói rằng rất mong muốn được đầu tư vào thành phố này vì đây là một thị trường rất năng động và có nguồn nhân lực trẻ. Bà đánh giá cao việc TP HCM tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố. Tổng thống Singapore biết được tầm nhìn của TP HCM là trở thành trung tâm tài chính kinh tế khu vực nhưng gặp phải những thách thức về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Bà nhấn mạnh rằng Singapore sẽ luôn đồng hành với TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong kế hoạch phát triển tương lai.

Tổng thống Singapore cho biết bà đã cảm nhận được sự gắn kết giữa hai nước trong chuyến thăm 4 ngày qua. Lãnh đạo hai nước đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước, đặc biệt là chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.

Sáng cùng ngày, Tổng thống Singapore đã có bài phát biểu tại hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam – Singapore. Tại sự kiện, bà Halimah Yacob bày tỏ ấn tượng về tốc độ phát triển của TP HCM và kỳ vọng thành phố sẽ tiếp tục có những bước tiến mới trong tương lai.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tiếp Tổng thống Singapore Halimah Yacob vào tối 19-10 Ảnh: Tấn Thạnh

Bảo đảm mục tiêu kép

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore phát triển tích cực là một trong những điểm sáng tiêu biểu ở Ðông Nam Á. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đến tháng 8-2022 đạt 6,3 tỉ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với 2.959 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 69,86 tỉ USD, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất trong ASEAN và đứng thứ hai trong tổng số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tính đến tháng 7-2022, Việt Nam có 136 dự án đầu tư sang Singapore trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến, thông tin truyền thông…

Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng cũng cho rằng hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam – Singapore là cơ hội để hai bên trao đổi và tạo điều kiện hợp tác hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển thương mại song phương.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thương mại và kinh tế thế giới khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và thay đổi hoạt động sản xuất.

Các dự báo gần đây cũng cho thấy kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái. Tuy đứng trước nhiều yếu tố bất lợi nhưng Việt Nam vẫn bảo đảm được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN với GDP gần 400 tỉ USD vào năm 2021, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 538 tỉ USD. 

Hình mẫu châu Á

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế Singapore luôn được đánh giá cao, là mô hình phát triển thành công của khu vực châu Á. Quan hệ Việt Nam và Singapore đang bước sang giai đoạn tốt đẹp hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ, lợi ích chiến lược, những kết quả hợp tác hữu nghị được vun đắp sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.


Xuân Mai