Đây là một trong những vụ cá voi mắc cạn lớn nhất được ghi nhận trên toàn cầu và là vụ tồi tệ nhất trong lịch sử của Úc.

Ổ cá chết thứ 2 được máy bay trực thăng phát hiện trên cảng Macquarie vào sáng 23-9 đã nâng tổng số cá voi hoa tiêu vây dài chết trong hai vụ mắc cạn lên khoảng 380 con.

Ông Nic Deka, điều phối viên, giám đốc khu vực của Dịch vụ Động vật Hoang dã, cho biết số cá voi chết có thể tăng hơn nữa trong ngày 23-9, sau khi máy bay trực thăng cung cấp dữ liệu giám sát bằng tia hồng ngoại để các cơ quan chuyên môn phân tích.

TS Kris Carlyon, một nhà sinh vật học thuộc Chương trình Bảo tồn biển, cho biết việc phát hiện thêm 200 con cá voi chết do mắc cạn trong ngày 23-9 khiến đây là vụ sinh vật biển mắc cạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử của bang Tasmania.

Lật lại hồ sơ cũ vào năm 1935,  có khoảng 294 con cá voi hoa tiêu vây dài đã mắc cạn tại vùng Stanley ở phía Tây Bắc của bang Tasmania.

Khoảng 60 nhân viên cứu hộ do Chương trình Bảo tồn biển của chính quyền bang Tasmania dẫn đầu đang bước vào ngày thứ 2 của cuộc giải cứu, tập trung ở khu vực Fraser Flats, gần thị trấn Strahan.

Cá voi mắc cạn tại bang Tasmania. Ảnh:Shutterstock

Vào ngày 22-9, khoảng 25 con cá voi đã được giải cứu đưa về môi trường biển nhưng có 2 con đã quay trở lại chính bãi cát bị mắc cạn.

Bến cảng Macquarie dài khoảng 35 km và rộng khoảng 8 km. Do đó, khi ổ cá voi thứ 2 với khoảng 200 con đã chết khi mắc cạn ở bến cảng không được phát hiện kịp thời. Dường như chúng có thể đã vào bến cảng cùng thời gian với ổ cá mắc cạn đợt 1, cách đó 10 km.

Trong 270 con cá voi đợt đầu tiên được phát hiện, khoảng 180 con đã chết tính đến thời điểm này. “Chúng tôi vẫn sẽ tập trung nỗ lực vào khu vực Fraser Flats vì nơi đó có những con còn cơ hội sống sót cao nhất”.

Những con cá voi được giải cứu có gắn thẻ chip trên mình để các cơ quan chuyên môn theo dõi.

TS Carylon nói: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc cá voi bị mắc cạn là do con người gây ra. Đây là một sự kiện tự nhiên và chúng ta biết rằng hiện tượng cá voi mắc cạn đã từng xảy ra trước đây qua các cá mẫu hóa thạch”.


Gia Minh (Theo The Guardian)

Chia sẻ