Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại TP Geneva – Thụy Sĩ hôm 16-6 khép lại với kết quả khá khiêm tốn. Hai bên nhất trí nối lại đàm phán về kiểm soát vũ khí, bắt đầu tham vấn về các vấn đề liên quan đến an ninh mạng và đồng ý đưa đại sứ mỗi nước trở lại nước kia.

Sau cuộc gặp, Nhà Trắng và Điện Kremlin ra tuyên bố chung về “sự ổn định chiến lược”, nhấn mạnh ngay cả trong thời điểm căng thẳng, Mỹ và Nga vẫn có thể đạt được tiến triển đối với các mục tiêu chung, như giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Tại các cuộc họp báo riêng lẻ theo sau hội nghị kéo dài khoảng 3 giờ, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, bày tỏ mong muốn mối quan hệ song phương cải thiện nhưng không công bố các bước đi mạnh mẽ nào nhằm cải thiện tình hình.

Tiến hành họp báo trước, ông Putin đánh giá cuộc thảo luận với ông Biden là “rất hiệu quả” và “không có bất kỳ sự thù địch nào” giữa hai bên. Tại cuộc họp báo tiếp theo, ông Biden cũng đưa ra nhận xét tương tự khi mô tả cuộc hội đàm là “tốt đẹp, tích cực”, đồng thời là cơ hội quan trọng để trình bày lập trường của Mỹ.

Trước mắt, hai nhà lãnh đạo cam kết thành lập các nhóm công tác để đối phó những vấn đề khẩn cấp, khởi đầu là kiểm soát vũ khí và tấn công mạng. Hai bên cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác trong một số vấn đề cùng quan tâm, từ Bắc Cực cho đến Afghanistan. Dù vậy, cả hai ông Biden và Putin vẫn giữ lập trường khác biệt về nhiều vấn đề đang khiến quan hệ Mỹ – Nga xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Hai tổng thống Joe Biden (trái) và Vladimir Putin tại cuộc gặp ở TP Geneva – Thụy Sĩ hôm 16-6 Ảnh: Reuters

Là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa hai nước nên an ninh mạng được hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga thảo luận nhiều tại cuộc gặp. Đáng chú ý, ông Biden cho biết đã bàn với ông Putin về một khuôn khổ hiểu biết chung.

Theo đó, tấn công mạng nhằm vào những mục tiêu nhất định, như cơ sở hạ tầng chủ chốt, phải được hai nước xem trọng hơn. Ông chủ Nhà Trắng cho biết đã trao cho nhà lãnh đạo Nga danh sách 16 thực thể được xem là “cơ sở hạ tầng thiết yếu” mà Mỹ sẽ có hành động trả đũa nếu chúng bị tấn công.

Đáp lại, ông chủ Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc Moscow liên quan đến một loạt vụ tấn công mạng nhằm vào Washington thời gian qua, đồng thời khẳng định Nga mới là mục tiêu của nhiều vụ tấn công mạng xuất phát từ Mỹ.

Đề cập vấn đề nhân quyền, ông Putin cáo buộc Mỹ ủng hộ các nhóm đối lập ở Nga nhằm làm suy yếu nước này do Washington xem Moscow là đối thủ. Chưa hết, nhà lãnh đạo Nga còn bác bỏ mối quan ngại của Mỹ về việc Moscow tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía Đông Ukraine.

Nhìn chung, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh lần này và đây là điều đã được dự báo từ trước. Thay vì tìm kiếm kết quả cụ thể, Washington xem cuộc gặp là cơ hội xây dựng mối quan hệ ổn định và dễ đoán định hơn giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, theo đài CNN, việc Tổng thống Putin dự hội nghị giúp tạm ngăn chặn những tác động tiêu cực đến từ mối quan hệ Nga – Mỹ đang xấu đi và nhà lãnh đạo này đã rời Geneva với một chiến thắng ngoại giao đáng kể. 

Điểm sáng về kiểm soát vũ khí

Theo đài CNBC, đàm phán hạt nhân là một kết quả nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga lần này. Theo thỏa thuận đạt được, hai nước sẽ nối lại tiến trình tham vấn về “sự ổn định chiến lược” (cách nói vắn tắt về kho vũ khí hạt nhân). Ông Biden giải thích điều này nghĩa là các chuyên gia quân sự và ngoại giao của hai nước sẽ bàn về chuyện kiểm soát những hệ thống vũ khí mới và nguy hiểm.

Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn lại giữa Washington và Moscow sau khi chính quyền ông Biden gia hạn nó 5 năm hồi tháng 2-2021. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Biden là Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Cả New START và INF đều hạn chế quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga – hai quốc gia sở hữu phần lớn vũ khí hạt nhân của thế giới.

Một thỏa thuận đáng chú ý khác là đưa đại sứ mỗi nước trở lại nước kia. Cả đại sứ Nga ở Mỹ Anatoly Antonov và đại sứ Mỹ ở Nga John Sullivan đều được triệu hồi về nước sau khi ông Biden công bố đợt trừng phạt mới nhằm vào Moscow liên quan đến cáo buộc tấn công mạng. Do đó, các hoạt động lãnh sự, thị thực và dịch vụ ngoại giao khác giữa Mỹ và Nga bị đình trệ, ảnh hưởng đến những ngành công nghiệp, gia đình và tổ chức cứu trợ có các mối quan hệ ở cả hai nước.


Hoàng Phương

Chia sẻ