Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2030 diễn ra ngày 30 và 31-5 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Moon Jae-in. Tham dự hội nghị có gần 70 lãnh đạo cấp cao các nước thành viên P4G, khách mời và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)…

Hoạt động quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh là phiên thảo luận cấp cao diễn ra tối 31-5 (giờ Việt Nam) với sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của tổng thống Mỹ và tổng giám đốc IMF. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận cấp cao với tư cách là thành viên sáng lập của P4G.

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận 3 vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đó là phục hồi xanh từ đại dịch Covid-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế đạt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 và tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công – tư.

Phát biểu với tư cách là thành viên sáng lập P4G, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh và phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu Covid-19. Thủ tướng đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2030 tối 31-5 Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu với khuôn khổ chung là các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân.

Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Tiểu vùng sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19 là giải pháp cấp bách hiện nay; đề nghị tăng cường hỗ trợ các nguồn vắc-xin, hợp tác đi lại và duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại – đầu tư quốc tế.

Thứ sáu, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hội nghị đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán, khẳng định chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Kết thúc phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Tuyên bố Seoul, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo P4G và các đối tác, đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp lớn nhằm phục hồi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bao trùm, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. 


DƯƠNG NGỌC

Chia sẻ