Mở đầu hội nghị là lời kêu gọi của Tổng thống Indonesia Joko Widodo về sự thống nhất và hành động cụ thể nhằm khôi phục kinh tế toàn cầu bất chấp những rạn nứt sâu sắc về xung đột tại Ukraine.

Tổng thống nước chủ nhà nhấn mạnh G20 phải là chất xúc tác cho sự phục hồi toàn diện, đồng thời ngăn thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác.

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đã đến lúc chấm dứt xung đột theo kế hoạch mà ông đề xuất một cách chính đáng, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn bản sao của dự thảo thông cáo chung dài 16 trang cho thấy có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình cũng như các biện pháp trừng phạt. Dự thảo này vẫn chưa được thông qua và có khả năng bị Nga phản đối.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại hội nghị ở Bali – Indonesia hôm 15-11Ảnh: REUTERS

Dự thảo thông cáo chung cũng đề cập việc các ngân hàng trung ương thuộc G20 đang theo dõi lạm phát và điều chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ để bảo đảm kiểm soát lạm phát.

Dự thảo còn cho rằng các biện pháp kích thích tài chính chỉ nên mang tính tạm thời và có mục tiêu để giảm bớt tác động của giá hàng hóa gia tăng đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhằm tránh gây thêm áp lực lạm phát.

Tại hội nghị G20, Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu. Tuy nhiên, các nước G20 vẫn chưa thống nhất về cách phản ứng khi nhiều thành viên không đồng tình đổ lỗi cho Nga.

Bà Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng về châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Đầu tư Natixis ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhận định với kênh Al Jazeera: “Thực sự, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có bất kỳ động thái lên án nào đối với vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng an ninh lương thực”. 


Xuân Mai