Trong khi những câu hỏi tức thời vẫn chưa có lời giải – như ai và cái gì gây ra thiệt hại cho đường ống, hiện đã xuất hiện câu hỏi mới: Làm sao các nước bảo vệ được hệ thống hạ tầng của mình trước những sự cố tương tự?

Toàn thế giới có hơn 1,1 triệu km đường ống, đủ để quấn quanh trái đất 30 lần – nhà phân tích an ninh Juliette Keyyem, giáo sư tại Trường Kennedy Harvard, cho biết. Đó là chưa kể các đường cáp internet “dài hàng chục triệu km”, cũng theo bà Keyyem.

Hệ thống đường ống này là “cơ sở để các quốc gia liên quan duy trì hoạt động cũng như bảo đảm nguồn điện”. “Chúng dễ bị hư hại do kích thước lớn và nằm phơi ra – ít nhất là dưới đáy biển. Rất khó để bảo vệ chúng” – chuyên gia Keyyem nhận định với Đài Phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) hôm 3-10.

Tàu của Đan Mạch giám sát khu vực bị rò rỉ khí đốt trên biển Baltic ngoài khơi nước này hôm 30-9 Ảnh: REUTERS

Giới chuyên gia an ninh liệt kê 4 biện pháp “phòng thủ theo lớp” giúp giảm thiểu nguy cơ. Đầu tiên là xây dựng nhiều hơn nữa các đường ống bảo vệ có khả năng chống lại sự xâm nhập; tiếp đến là kiểm soát các đường tiếp cận đường ống, giám sát chúng và ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng. Sự cố Nord Stream, theo các chuyên gia, đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc giám sát, bao gồm nắm chắc những tàu nổi và tàu ngầm nào có mặt xung quanh đường ống.

Một khi phát hiện mối đe dọa tiềm tàng, lực lượng an ninh của nước liên quan có thể sử dụng tàu chiến, tàu ngầm và kể cả thiết bị không người lái để “loại trừ nguy cơ”. Điều quan trọng không kém là các quốc gia và công ty phải có sẵn kế hoạch ứng phó để sau sự cố có thể khôi phục hệ thống càng sớm càng tốt.

Quay lại sự cố Nord Stream, những ngày gần đây, Na Uy, Đan Mạch, Ý và Ba Lan đồng loạt tăng cường an ninh quanh các đường ống dưới đáy biển của họ. Các nhà khoa học cho rằng cả 2 đường ống Nord Stream 1 và 2 bị cài thuốc nổ dưới biển. Hiện Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã bắt tay vào điều tra “vụ phá hoại” này trong khi Nga quy trách nhiệm cho phương Tây.


Hải Ngọc