Hệ quả là triển vọng phục hồi vốn mong manh của khu vực lại càng giảm xuống.

Hoạt động sản xuất suy yếu được ghi nhận ở nhiều nơi từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đài Loan (Trung Quốc). Các nhà phân tích hôm 1-9 cho rằng khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ cũng làm giảm tâm trạng kinh doanh, gây lo ngại suy thoái tại Trung Quốc – một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất châu Á.

Ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), cho biết: “Chiến lược chống dịch của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị với Mỹ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng. Lạm phát gia tăng cũng đang ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa trên toàn châu Á”. 

Một công nhân kiểm tra máy móc tại nhà máy ở Higashiosaka – Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Theo chuyên gia này, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là động lực của tăng trưởng toàn cầu, chính vì vậy khi cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chao đảo sẽ gây rắc rối cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Reuters, bà Annabel Fiddes, Giám đốc kinh tế của Công ty Nghiên cứu S&P Global Commodity Insights (Mỹ), nhận định: “Nhu cầu hàng hóa giảm rõ rệt cũng đồng nghĩa với việc các công ty cắt giảm hoạt động mua vào và hàng tồn kho khi nhiều công ty dự báo mức sản xuất sẽ giảm hơn nữa trong năm tới”.

Bên cạnh giá cả leo thang và gián đoạn chuỗi cung ứng, vấn đề thị thực cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân sự, khiến các doanh nghiệp lao đao và suy giảm khả năng phục hồi kinh tế. Cụ thể, theo dữ liệu nhập cư của Úc được hãng tin Reuters thu thập, việc chậm trễ trong xử lý thị thực đã khiến khoảng gần triệu lao động tiềm năng bị “mắc kẹt”.

Tính đến ngày 12-8, hơn 914.000 đơn xin thị thực thường trú và tạm trú bị tồn đọng. Khoảng 370.000 thị thực trong số này là các loại thị thực tạm thời quan trọng của du khách, sinh viên và thị thực tay nghề cao vốn là chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế của Úc.

Sự chậm trễ phần lớn do thiếu hụt nguồn lực tại các văn phòng nhập cư và lượng hồ sơ tồn đọng trong suốt 2 năm qua do Úc phong tỏa biên giới để phòng dịch Covid-19.


Xuân Mai