Nhiều chính phủ trên thế giới như Israel, Iceland, Trung Quốc đang áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng hướng tới mục đích chung là mở lại biên giới một cách an toàn, giải phóng nền kinh tế khỏi tình trạng phong tỏa và khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Nhìn chung, “hộ chiếu vắc-xin” điện tử, “thẻ xanh vắc-xin” hay chứng nhận y tế quốc tế ở các nước sẽ được cấp và tích hợp trên điện thoại thông minh, bao gồm tên tuổi, tình trạng sức khỏe của người được cấp, thời điểm tiêm vắc-xin, loại vắc-xin và kết quả xét nghiệm. Ngoài phục vụ nhu cầu làm việc, di chuyển xuyên biên giới như mục đích ban đầu đặt ra, những loại “hộ chiếu vắc-xin” này cũng tạo điều kiện cho người sử dụng hòa nhập trở lại các hoạt động xã hội như đến quán bar, nhà hát, phòng tập gym hay sử dụng phương tiện công cộng.

Việc tiếp cận với vắc-xin hiện diễn ra bất bình đẳng ở các vùng khác nhau hoặc thậm chí trong cùng một khu vực. Một số người không thể được chủng ngừa vì họ có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hay cơ địa bị dị ứng. Trong khi đó, những người khác vẫn trong danh sách chờ vì không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên và nguồn cung bị hạn chế hoặc vì họ sống ở khu vực thiếu điều kiện bảo đảm quá trình phân phối vắc-xin hiệu quả. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có được sự thống nhất về vai trò cũng như cách thức sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”, dẫn đến những lo ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như tiềm ẩn nguy cơ phân biệt đối xử.

Một số chuyên gia thúc giục chính phủ các nước chờ đợi tiêu chuẩn quốc tế chung đối với “hộ chiếu vắc-xin” trước khi mở cửa biên giới. Theo giới chuyên gia, các tiêu chuẩn không thống nhất có thể làm mất an toàn trong xã hội hoặc kéo theo những vấn đề địa chính trị giữa các nước.

Tại Liên minh châu Âu (EU), 27 quốc gia thành viên chung đường biên giới dài nhưng có nhu cầu kinh tế và tỉ lệ tiêm chủng khác nhau. Các chính phủ tại châu Âu đang đàm phán chi tiết thỏa thuận “hộ chiếu vắc-xin” kỹ thuật số nhưng vấp phải nhiều thách thức như bảo đảm quyền riêng tư về thông tin cá nhân và quyền bình đẳng khi nhiều người không đủ điều kiện tiêm chủng. EU vẫn đang tranh cãi về việc “hộ chiếu vắc-xin” kỹ thuật số sẽ được sử dụng như thế nào trong khối. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý muốn sáng kiến nhanh chóng được thông qua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson được tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 tại thủ đô London – Anh hôm 19-3 Ảnh: Reuters

Ở Mỹ, các hiệp hội doanh nghiệp và hàng không đang gây sức ép lên chính quyền phát triển hệ thống “hộ chiếu vắc-xin”. Tỏ ra thận trọng hơn, Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1 ký sắc lệnh chỉ thị một ủy ban nghiên cứu tính khả thi của “hộ chiếu vắc-xin” nhưng đến nay Nhà Trắng vẫn chưa công bố kết quả hay công khai ủng hộ ý tưởng này.

Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng “hộ chiếu vắc-xin” không chỉ là cách khuyến khích người dân tiêm phòng mà còn giúp mở cửa trở lại các nền kinh tế, hồi sinh ngành du lịch, giúp hàng trăm triệu người đã được tiêm chủng trở về cuộc sống bình thường.

“Nới rộng” sự bất công

Tuy nhiên, đối với nhóm phản đối, như Pháp, Đức, Bỉ, lo ngại tấm “hộ chiếu vắc-xin” trong đại dịch Covid-19 sẽ gây ra sự phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Bên cạnh đó, chứng nhận miễn dịch vô hình trung đã vi phạm quyền bảo vệ thông tin y tế của mỗi cá nhân như tuổi tác, dân tộc, giới tính, tiền sử bệnh. Những người phản đối hộ chiếu vắc-xin cho rằng điều này sẽ tạo ra một xã hội phân cấp, nơi một số người có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ và đi lại tự do trong khi những người khác bị từ chối quyền lợi. Bên cạnh đó, việc áp dụng rộng rãi “tấm vé thông hành” này cũng bị xem là không công bằng đối với nhiều quốc gia chưa thể tiếp cận vắc-xin khi một số nước dự kiến triển khai tiêm phòng vào năm 2024.

Vắc-xin hiện dư thừa tại các quốc gia giàu có trong khi người đã tiêm chủng, vốn tập trung nhiều ở những nhóm có đặc quyền, lại nhận được quyền lợi nhiều hơn nữa so với những người không được tiêm chủng. Điều này sẽ nới rộng bất công trong xã hội. Hai chuyên gia Nicole Hassoun và Anders Herlitz, những người nghiên cứu về đạo đức sức khỏe cộng đồng, có bài viết trên tạp chí khoa học Scientific American (Mỹ): “Hộ chiếu miễn dịch hứa hẹn sẽ đưa cuộc sống xã hội và kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, các loại vắc-xin được phân phối không đồng đều theo chủng tộc, giai cấp và quốc tịch tạo nên rào cản về mặt đạo đức”.

Bà Nicole A. Errett, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Trường ĐH Washington, nhận định nếu việc tiêm chủng vắc-xin trở thành tấm vé thông hành để được thực hiện những điều khác biệt trong thế giới đang bị hạn chế thì những cộng đồng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 sẽ bị bỏ lại phía sau”. 

Bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu

Trong khi đó, bà Ana Beduschi, phó giáo sư luật tại Trường ĐH Exeter (Anh), nhận định với kênh Al Jazeera rằng hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số đặt ra hoài nghi về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu và quyền con người, vì chúng sử dụng thông tin sức khỏe cá nhân nhạy cảm để tạo ra sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng được tiêm phòng và chưa tiêm phòng, từ đó quyết định mức độ tự do mà cá nhân đó có thể được hưởng. Hơn nữa, sự xuất hiện của biến chủng mới làm cho câu chuyện càng trở nên phức tạp bởi tiêm phòng không có nghĩa là miễn nhiễm hoàn toàn với dịch bệnh.


Xuân Mai

Chia sẻ