Trong ngày 7 và 8-6, các đại diện cấp bộ trưởng từ 5 nước Đông Nam Á – gồm Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan – nhóm họp ở Singapore để bàn cách ứng phó với tình trạng khói mù xuyên biên giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia, ông Nik Nazmi Nik Ahmad, nước ông mong muốn thảo luận các vấn đề như thời tiết khô nóng, nguy cơ xảy ra khói mù cùng các chiến lược ứng phó.

Trước đó, vào ngày 29-5, Trung tâm Khí tượng chuyên môn ASEAN (ASMC) dự báo mùa khô năm nay sẽ khốc liệt và kéo dài hơn những năm gần đây.

“Thời tiết khô hạn dai dẳng đã xảy ra ở hầu hết khu vực của Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và miền Nam Thái Lan. Với hiện tượng El Nino sắp xảy ra, mùa khô năm nay sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10” – thông cáo của trung tâm cho biết.

Quảng trường Thời đại ở TP New York – Mỹ mù mịt trong khói mù do cháy rừng từ Canada lan sang hôm 7-6 Ảnh: REUTERS

Ngoài El Nino, trong vòng 1-2 tháng nữa có thể xảy ra lưỡng cực Ấn Độ Dương, hiện tượng thời tiết quan trọng nhất trên Ấn Độ Dương và được mệnh danh là “Nino Ấn Độ”, khiến mây không thể hình thành trên một số vùng nhất định của đại dương này. Cả hai hiện tượng trên đều gây ra tình trạng khô và nóng hơn bình thường cho nhiều vùng ở phía Nam Đông Nam Á.

Dựa trên những quan sát này, ASMC dự báo nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng khói mù xuyên biên giới ở phía Nam các nước ASEAN từ tháng 6 đến tháng 10-2023, theo kênh CNA.

Để hạn chế tối đa nguy cơ này, theo giáo sư A. Bakar Jaafar của Malaysia, cần quản lý nguồn nước hiệu quả, đặc biệt là dẫn nước vào các khu vực than bùn bị bỏ hoang để bảo đảm độ ẩm.

  • Mỹ: TP New York bỗng dưng gặp họa lớn

Cực kỳ dễ bắt lửa, nhất là từ hoạt động đốt ruộng, rẫy, các bãi than bùn khô là “thủ phạm” của 90% vụ cháy gây khói mù ảnh hưởng tới Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei. Ngoài ra, giáo sư A. Bakar cho rằng cần biến rơm rạ thành các loại nhiên liệu sinh học thay vì đốt bỏ như lâu nay.

Trong lúc ASEAN đang gấp rút tìm cách đối phó thì Bắc Mỹ đang chìm trong khói mù do cháy rừng dữ dội tại Canada, khiến đời sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng. Hơn 400 đám cháy đang hoành hành ở Canada, nghiêm trọng đến mức Mỹ đã phái gấp hơn 600 lính cứu hỏa và thiết bị đến chi viện, ngoài ra còn có sự trợ giúp của nhiều nước khác.

Khói mù không chỉ dày đặc ở thủ đô Ottawa của Canada mà hầu hết bầu trời khu Đông Bắc Mỹ cũng bị nhuộm thành màu cam, dẫn đến cảnh báo chất lượng không khí tại ít nhất 16 bang, theo đài ABC News.

Tại thủ đô Washington D.C., Thị trưởng Muriel Bowser ra lệnh cho các trường học hủy mọi hoạt động ngoài trời như thể thao, đi tham quan… trong ngày 8-6 (giờ địa phương). Trong khi giới chức khu ngoại ô TP Philadelphia lập lều trú ẩn ngoài trời cho người dân thì Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul, đã yêu cầu cung cấp 1 triệu khẩu trang N95 ở các cơ sở của bang.

Do tác động của vùng áp thấp ở phía trên bang Maine – Mỹ và tỉnh Nova Scotia – Canada, tình trạng khói mù có khả năng dai dẳng tới cuối tuần này, theo chuyên gia Bryan Ramsey của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ.

Hãng tin Reuters cho biết khói mù do cháy rừng có thể tồn tại trong không khí hàng tuần và tỏa đi xa hàng trăm km. Đặc biệt, trong loại khói mù này, ngoài các hạt đất và vật liệu sinh học còn chứa vết tích của chất hóa học, kim loại, nhựa… – vốn là tài sản vật chất bị cháy rừng thiêu rụi.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa khói mù do cháy rừng với tỉ lệ mắc cao hơn đối với đau tim, đột quỵ, bệnh hô hấp, suy yếu miễn dịch, đau mắt, hư da…; ngoài ra còn liên quan tới tình trạng sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu hậu quả lâu dài của khói mù do cháy rừng lên nguồn cung cấp nước, các mùa vụ, gia súc… cũng như sự phát triển thần kinh và hệ hô hấp của trẻ em.


HẢI NGỌC