Giới phân tích cho rằng chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng như lúa mì, lúa mạch, đồng đến niken có thể bị gián đoạn khi cuộc khủng hoảng diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn bởi Nga và Ukraine là những nhà cung cấp kim loại và hàng hóa lớn.

Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen được sản xuất từ Ukraine. Ông Alan Holland, Giám đốc điều hành Công ty Keelvar (Ireland), nhận định trên thực tế, không chỉ Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nếu căng thẳng leo thang, gián đoạn nguồn cung có thể tác động đến an ninh lương thực ở nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi, nơi nhập khẩu phần lớn lúa mì và ngô của Ukraine.

Ông Holland cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như phân bón và điều đó gây tiêu cực cho nông nghiệp hơn nữa.

Thị trường toàn cầu trong tuần này đã hỗn loạn do ảnh hưởng từ diễn biến căng thẳng ở châu Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Chứng khoán châu Âu hôm 23-2 tăng điểm trở lại, với chỉ số Stoxx 600 đã tăng 1,1% trong đầu phiên giao dịch. Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng phục hồi hôm 23-2 trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chỉ số giá cổ phiếu Đức tại sàn giao dịch chứng khoán ở TP Frankfurt – Đức hôm 22-2. Ảnh: REUTERS

Kết thúc phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ số Shanghai composite (Thượng Hải) tăng 0,93% trong khi Shenzhen component (Thâm Quyến) tăng 1,902%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,47% trong khi chỉ số S&P/ASX 200 tại Úc kết thúc phiên giao dịch hôm 23-2 tăng 0,62%.

Tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giảm còn 96,65 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ có lúc giảm còn 91,72 USD/thùng. Giá vàng tiếp tục được giao dịch ở mức cao trong 9 tháng qua, hôm 23-2 duy trì quanh mốc 1.900 USD/ounce.

Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty môi giới Pepperstone, nhận định: “Thị trường nhận thấy các biện pháp trừng phạt hạn chế và có lẽ không mạnh mẽ như lo ngại”.

Trong khi đó, ông Alex Holmes, nhà kinh tế học về thị trường mới nổi tại Công ty Capital Economics ở Singapore, nói rằng hầu hết nền kinh tế châu Á có quan hệ thương mại và tài chính tương đối hạn chế với Nga cũng như Ukraine.

Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang đáng kể mới có thể gây tác động ở cấp vĩ mô và trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể tăng lên 120 – 140 USD/thùng.

Ông Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư AMP Capital ở Úc, cho hay nhìn chung, các nhà đầu tư đang lo lắng về một cú sốc đình lạm (hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao) đối với châu Âu và ở quy mô nhỏ hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tại Mỹ lần lượt giảm 1,42%, 1,01% và 1,23%. Các nhà phân tích cho rằng triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong tháng 3 có thể trở nên kém rõ ràng hơn nếu Nga vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng. Khả năng này có thể xảy ra do căng thẳng Ukraine đã làm tăng giá dầu và khí đốt, mặt hàng chủ yếu của nhiều người Mỹ và chi tiêu cho tiêu dùng đóng góp đến 70% kinh tế Mỹ.

Giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác đã không ngừng tăng bởi những lo ngại về việc Nga điều quân vào Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh có thể khiến cho nguồn cung dầu bị hạn chế.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody’s Analytics, nhận xét: “Lạm phát Mỹ hiện ở mức 7,5%, giá các sản phẩm năng lượng tăng cao sẽ khiến mọi chuyện tệ hơn thế. Quan điểm của tôi là nó thực sự làm khó những nỗ lực kiềm chế lạm phát và tạo việc làm của FED”.

Các chuyên gia ước tính kịch bản giá dầu tăng vọt lên 150 USD/thùng ít có khả năng xảy ra nhưng phía trước vẫn là “một viễn cảnh đen tối”. 

Cánh cửa ngoại giao hẹp dần

Phương Tây và Nhật Bản ngày 22-2 công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, sau khi quốc gia này điều quân đến 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine. Trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Canada và Nhật Bản công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào ngân hàng và giới tinh hoa, Đức dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga. Phương Tây và Nhật Bản còn cảnh báo Nga về lệnh trừng phạt bổ sung nếu quốc gia này tấn công Ukraine.

Theo Công ty Maxar (Mỹ), loạt ảnh vệ tinh trong 24 giờ trước đó cho thấy nhiều binh sĩ và khí tài quân sự mới được triển khai ở phía Tây của Nga, bên cạnh hơn 100 phương tiện tại một sân bay nhỏ gần biên giới Ukraine.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc khẳng định với hãng tin Reuters rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ luân chuyển 800 binh sĩ đến Lithuania, Latvia và Estonia; 8 chiến đấu cơ F-35 đến sườn Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng 32 trực thăng quân sự Apache AH-64 đến các nước Baltic và Ba Lan. Động thái này được triển khai nhằm ngăn chặn “mọi hành vi khiêu khích tiềm tàng của Nga nhằm vào các nước thành viên NATO”.

Ở mặt trận ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 22-2 thông báo hủy các cuộc họp riêng biệt với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, nói rằng những hành động của Nga cho thấy quốc gia này đã “từ chối con đường ngoại giao”.

Trong một tuyên bố vài giờ sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì cho rằng ngoại giao không thể thành công nếu Moscow không chịu xuống thang căng thẳng. Về phần mình, ông chủ Điện Kremlin ngày 23-2 khẳng định sẵn sàng tìm kiếm “giải pháp ngoại giao” nhưng nhấn mạnh lợi ích của Nga là “không thể thương lượng”.

Cao Lực


Xuân Mai