Cuộc biểu tình hôm 6-2 là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền.

Nhiều người biểu tình mặc trang phục màu đỏ của và mang theo cờ, cầm biểu ngữ phản đối chính quyền quân sự.

Người dân Myanmar biểu tình ở Tp Yangon. Ảnh: EPA-EFE

Hàng chục cảnh sát, một số trong trang phục chống bạo động, ban đầu đã cố chặn đường đoàn biểu tình, buộc đám đông phải đổi hướng.

Những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội hôm 6-2 cho thấy cảnh sát chặn một giao lộ chính giữa đường Insein và ngã 3 Hledan ở Yangon khi những người biểu tình cố tuần hành qua đây.

Cuộc biểu tình kết thúc chiều cùng ngày nhưng những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành trong ngày 7-2.

Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau cuộc đảo chính. Ảnh: EPA- EFE

Trong khi đó, chính quyền quân sự Myanmar tạm ngăn chặn các mạng xã hội Facebook và mở rộng sang các nền tảng Twitter và Instagram hôm 6-2 trong bối cảnh phong trào phản đối ngày càng tăng.

Theo đài CNN, Dịch vụ giám sát Internet NetBlocks hôm 6-2 cho biết nước này đang trong tình trạng bị ngắt internet “quy mô quốc gia” lần thứ hai khi quân đội nỗ lực đảm bảo quyền lực của mình.

Một người dùng Twitter viết: “Chúng tôi đã mất tự do, công lý và rất cần dân chủ. Hãy lắng nghe tiếng nói của Myanmar”. Trong tuyên bố hôm 6-2, bà Ming Yu Hah, quan chức cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã chỉ trích vụ ngăn chặn internet trong khi diễn ra cuộc đảo chính, khủng hoảng nhân đạo và đại dịch Covid-19 là một quyết định “tàn ác và liều lĩnh”.

Cảnh sát được triển khai ngăn chặn người biểu tình. Ảnh: AP

Cố vấn người Úc của bà Suu Kyi, ông Sean Turnell, đã bị bắt hôm 6-2. Đây là công dân nước ngoài đầu tiên bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2.

Trong khi đó, Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể do quân đội Myanmar kiểm soát. Trong cuộc điện đàm hôm 6-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thúc ép nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì lên án cuộc đảo chính tại Myanmar.


Xuân Mai

Chia sẻ