Theo Đại úy Clay Doss, phát ngôn viên của Hải quân Mỹ, các bộ phận bị chuyển từ tàu John F. Kennedy sang tàu Gerald R. Ford sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình lắp ráp tàu Kennedy. Các bộ phận được tháo bao gồm “màn hình HMI, bộ điều khiển động cơ, bộ nguồn, máy bơm nhỏ, công tắc hành trình và thiết bị truyền động van cho các hệ thống khác nhau trên tàu”.

Ông Doss gọi việc tháo đổi các bộ phận là “một công cụ quản lý dự án” được viết trong hướng dẫn bảo trì hạm đội chung của Hải quân Mỹ. Quá trình này cho phép thay đổi các bộ phận và vật liệu giữa các tàu đang bảo dưỡng hoặc đang được đóng mới.

Ông Duane Bourne, phát ngôn viên của Huntington Ingalls Industries, đơn vị chịu trách nhiệm đóng tàu Kennedy, nói hoạt động thay thế vốn phổ biến với các tàu đầu tiên của lớp khi hệ thống cung cấp đang được thiết lập.

Tàu Gerald R. Ford được thử nghiệm chống sốc ở Đại Tây Dương vào ngày 8-8-2021. Ảnh: Hải quân Mỹ

Việc thiếu các bộ phận cho tàu sân bay thuộc thế hệ tiếp theo của Hải quân Mỹ là vấn đề mới nhất xảy ra với tàu Ford. Ban đầu, nó được dự kiến khai thác vào năm 2018. Chi phí để đóng con tàu đã tăng từ 10,5 tỉ USD lên 13 tỉ USD vào mùa hè năm nay.

Tàu sân bay Gerald R. Ford gặp phải một loạt các vấn đề kỹ thuật và trục trặc thiết bị khi Hải quân Mỹ cố gắng lắp đặt 23 công nghệ mới, ví dụ như hệ thống phóng máy bay điện từ.

Mặc dù chi phí tăng cao và những khó khăn về công nghệ, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết tàu Ford đang dần hoàn thiện. Ford đã hoàn thành thành công thử nghiệm chống sốc vào mùa hè này. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay được thử nghiệm chống sốc dưới nước kể từ khi tàu sân bay Theodore Roosevelt được thử nghiệm vào năm 1987.


Bảo Hạnh

Chia sẻ