Chẳng bao lâu nữa ông Ryu Ishihara có thể phải lần đầu tiên tăng giá món mì soba bình dân của mình trong gần 10 năm qua, bởi món ăn làm từ hạt kiều mạch này đã trở thành “nạn nhân” của cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Dù là món ăn mang tính biểu tượng nhưng Nhật Bản chỉ sản xuất được 42% nhu cầu kiều mạch nội địa (số liệu năm 2020). Phần còn thiếu được bù đắp bởi hàng nhập khẩu, trong đó nguồn nhập khẩu từ Nga đã vươn từ vị trí thứ 3 của năm 2018 lên thứ 2 (năm 2021) rồi qua mặt Trung Quốc chiếm hạng đầu từ tháng 2-2022, theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản.

Giá kiều mạch Nga đã tăng 30% trong 6 tháng gần đây trong khi giá nước tương, bột mì, rau, cá… cũng không ngừng leo thang.

Trong khi đó, ông Martin Frick, Giám đốc tại Đức của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cảnh báo với hãng tin DPA rằng khoảng 4,5 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine do các tuyến đường biển bị đe dọa bởi hoạt động quân sự.

Chưa hết, WFP cho biết kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine ngày 24-2, họ đã phải viện trợ thực phẩm cho 2,5 triệu người Ukraine.

Nông dân Ukraine mặc áo chống đạn làm việc trên một cánh đồng ở vùng Zaporizhzhia hôm 26-4 Ảnh: REUTERS

Để tháo gỡ khó khăn 2 đầu này, theo báo The Guardian, chính phủ Đức và DB Cargo, công ty hậu cần của hãng đường sắt quốc gia Đức, đã khởi động kế hoạch “Cầu nối ngũ cốc” với sự hợp tác của ngành đường sắt Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania, qua đó bảo đảm một mạng lưới thông suốt tỏa khắp châu Âu.

Một mặt, ngũ cốc bị “đóng băng” ở Ukraine – ước khoảng 20 triệu tấn – sẽ theo các chuyến xe lửa rời đất nước và chiều ngược lại, máy móc nông nghiệp, phụ tùng… cũng được chuyển đến cho nông dân Ukraine đang gieo hạt vụ mùa hè.

Ukraine là một trong những nước sản xuất lúa mì và bắp lớn nhất thế giới. Nhiều nước ở Bắc Phi đặc biệt phụ thuộc vào nguồn lúa mì giá rẻ từ Ukraine. Tương tự, một số nước Trung Đông đang điêu đứng, như Lebanon và Ai Cập – nhập khẩu 80% nhu cầu bột mì từ Nga và Ukarine năm ngoái – phải vật lộn với khủng hoảng bánh mì.

Tuy nhiên, đài CNN chỉ ra một số nước khác ở Trung Đông – thuộc vùng Vịnh – dường như không hề hấn gì dù họ có chưa đến 2% diện tích đất đai có thể trồng trọt và phải nhập khẩu tới 85% nhu cầu thực phẩm.

Bí quyết của họ, theo giới chuyên gia, nằm ở chiến lược bảo đảm an ninh lương thực từ những năm 1990; và đặc biệt đẩy mạnh sau cú sốc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Lấy ví dụ, Qatar xếp thứ 24 thế giới (cao nhất các nước Ả Rập vùng Vịnh) về mức độ bảo đảm lương thực tính đến năm 2021, tiếp sau là Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Oman và Bahrain – theo Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu. “Chót bảng” vùng Vịnh là Ả Rập Saudi cũng đứng thứ 44 thế giới.

Theo chuyên gia Karen Young, nhờ tiềm lực kinh tế dồi dào, các nước vùng Vịnh đổ thêm tiền vào các sáng kiến mới, có thể kể ra từ các loại cây trồng khử muối đến loại hình canh tác tiết kiệm nước bằng cách trồng thẳng cây vào nước giàu dưỡng chất.

Đặt mục tiêu lọt vào tốp 10 của Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu vào năm 2051, UAE trồng các loại siêu thực phẩm – tức giàu chất dinh dưỡng nhất – chịu mặn, tạo ra các nông trại thẳng đứng trong nhà cũng như nhà kính thông minh trên sa mạc Dubai…

Về phần Qatar, sau khi bị chính các nước láng giềng cấm vận kinh tế năm 2017, họ nhanh chóng triển khai chiến lược quốc gia nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Từ cảnh nhập 400 tấn sữa và sữa chua mỗi ngày, Qatar đã xây dựng hẳn ngành công nghiệp sữa của riêng mình trên sa mạc.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại các biện pháp mà vùng Vịnh đang áp dụng rất tốn kém nên không bền vững và khó áp dụng cho các khu vực khác. 

Tăng lãi suất chống lạm phát

Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) hôm 3-5 tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,35%, lần tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 11-2010. Theo RBA, việc nước này chấm dứt duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục là do tỉ lệ lạm phát tăng nhanh và cao hơn dự tính. Tỉ lệ lạm phát tiêu dùng hằng năm tại Úc hiện là 5,1%, cao nhất kể từ năm 2001.

Ông Shane Oliver, Trưởng Bộ phận chiến lược kiêm nhà kinh tế trưởng tại Công ty Dịch vụ tài chính AMP (Úc), nhận định với đài CNBC rằng RBA dường như đã chấp nhận phải hành động quyết liệt.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng lạm phát tăng là do ảnh hưởng từ các diễn biến trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine và tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc nhưng nhấn mạnh Úc có vị thế kinh tế tốt hơn nhiều quốc gia phát triển. Dù vậy, động thái của RBA bị xem là đòn giáng lên chiến dịch tranh cử của ông Morrison trước thềm bầu cử vào ngày 21-5.

Tại Mỹ, với việc lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần như chắc chắn sẽ thông báo tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong ngày 4-5, theo hãng tin AP. Đây là mức tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2000. FED có thể tiếp tục nâng lãi suất 0,5 điểm % trong các cuộc họp tháng 6 và 7.

Một số nhà kinh tế cho rằng hành động của FED đã quá trễ. Ông Roger Ferguson, cựu Phó Chủ tịch FED, nhận định với đài CNBC: “Gần như không thể tránh khỏi suy thoái ở giai đoạn này”. Ông Ferguson cho rằng suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ xảy ra vào năm 2023 và hy vọng chỉ với quy mô nhỏ.

Xuân Mai


HẢI NGỌC