Trong 1 cuộc họp báo ngày 23-2 (giờ địa phương), người phát ngôn John Kirby nói: “Chúng tôi thúc giục Trung Quốc tránh các hoạt động, ví dụ như triển khai tàu hải cảnh, có thể dẫn đến tính toán sai lầm và gây tổn hại về vật chất. (…) Chúng tôi ủng hộ Nhật Bản về chủ quyền ở Senkaku”.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden, cũng như những chính quyền Mỹ trước đây, đã đưa ra cam kết với Nhật Bản rằng Điều 5 của hiệp ước an ninh song phương có bao gồm quần đảo Senkaku. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột tại đây dù Mỹ luôn thể hiện vị trí trung lập về các vấn đề chủ quyền.

Trong khi những phát biểu của ông Kirby dường như ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo, một phát ngôn viên khác của bộ quốc phòng sau đó làm rõ rằng “chính sách của Mỹ không hề thay đổi”.

Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo

Tại Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hoan nghênh bình luận của ông Kirby, nói rằng chúng phù hợp với quan ngại chung của hai nước về nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông.

“Thật vô cùng đáng trách và hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku và có những động thái tiếp cận tàu cá Nhật Bản” – trích lời ông Motegi.

Tuần trước, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ bày tỏ “quan ngại” về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc vì cho rằng nó có thể “làm leo thang tranh chấp lãnh thổ và hàng hải” đang diễn ra ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Theo luật mới áp dụng vào ngày 1-2, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà họ coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển của Trung Quốc.

Các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị phát hiện xuất hiện gần quần đảo Senkaku (được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) sau khi luật trên có hiệu lực. Phía Nhật Bản còn cho biết một số tàu hải cảnh Trung Quốc lắp đặt “vũ khí giống pháo lớn”.


Bảo Hạnh

Chia sẻ