Thông tin được tiết lộ bởi Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin trên trang Telegram cá nhân hôm 8-6 và được đài RT dẫn lại.

“Mỹ đã tuyên bố, đồng thời gây áp lực để đồng minh châu Âu cấm năng lượng Nga, trong khi vẫn tiếp tục mua dầu của chúng tôi với số lượng lớn” – đài RT của Nga dẫn lời ông Vyacheslav Volodin cho biết.

Washington hồi đầu tháng 3 thông báo sẽ hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga. Một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than cũng nằm trong lệnh trừng phạt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đó tuyên bố rằng dầu Nga sẽ không được chấp nhận ở cảng Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố đó không đi kèm với hành động” – ông Volodin viết trên trang Telegram cá nhân – “Lượng dầu từ Nga tăng gần gấp đôi trong tháng 3 so với tháng 2 – tương ứng từ 2,325 lên 4,218 triệu thùng, theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ”.

Điều này đồng nghĩa, dù bị Washington áp lệnh cấm nhưng Nga “đã tăng từ hạng 9 lên hạng 6 trong danh sách những nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Mỹ”- vẫn thông tin từ ông Volodin cho biết.

“Thực tế là cùng thời điểm Washington đã gây áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) từ bỏ dầu Nga và họ đã thành công” – ông Volodin nhấn mạnh.

Một tàu chở dầu tại cảng Novorossiysk của Nga. Ảnh: Sputnik/Vitaly Timkiv

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Kể từ đó đến nay, Mỹ và đồng minh phương Tây đã tung loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.

Sau nhiều tuần tranh luận, EU đã đồng thuận với gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga hồi cuối tháng trước, trong đó có lệnh cấm dầu Nga. EU tuyên bố dừng nhập ngay lập tức 75% dầu Nga và hướng tới mục tiêu 90% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, Hungary và một số nước đã được miễn trừ vì sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga – theo đài RT.

Tuần trước, Tổng thống Biden gợi ý rằng Mỹ có thể sẽ mua dầu Nga sau khi lệnh cấm từ EU có thể sẽ khiến giá dầu của Moscow giảm xuống.

“Nga có nhu cầu quá lớn về việc bán dầu sau lệnh cấm của EU và nó sẽ được bán với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường” – ông Biden nhận định.

Tuy nhiên, phía Nga tỏ ra hoài nghi về kế hoạch Tổng thống Joe Biden. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định với RT: “Nhu cầu có thể giảm ở một khu vực nhưng tăng ở chỗ khác. Chuỗi cung ứng sẽ được định hướng lại”.


Bằng Hưng