Trong một bài bình luận đăng tải hôm 24-4, AP cho biết bất cứ khi nào Trung Quốc bị cáo buộc không nhanh chóng ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, các nhà ngoại giao của họ từ châu Á đến châu Phi, London đến Berlin, đều ngay lập tức phản ứng một cách kịch liệt.

Theo AP, họ thuộc thế hệ các nhà ngoại giao mới được mô tả là “Chiến binh Sói” – đặt theo tên bộ phim bom tấn theo chủ đề yêu nước.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cách tiếp cận của các đặc phái viên Trung Quốc ở nước ngoài trở nên cứng rắn hơn. Bắc Kinh lúc này thúc giục các nhà ngoại giao của mình theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn” nhằm tái khẳng định vị thế của một cường quốc toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AP

Gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu so sánh các nhà báo ở Thụy Điển giống “võ sĩ hạng nhẹ đòi đấu với võ sĩ hạng nặng Trung Quốc”. Một phóng viên Thụy Điển trước đó viết bài về tác động của hệ thống chính trị lên phản ứng với dịch Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh.

Một chuyên gia đến từ Trường ĐH Renmin (Trung Quốc), cảnh báo nước ông sẽ kiên quyết chống trả nếu bất cứ ai chĩa mũi dùi vào Trung Quốc về vấn đề này: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ rằng nếu Trung Quốc không đáp trả, họ sẽ làm tổn thương Trung Quốc nhiều hơn nữa”.

Các nhà ngoại giao kiểu mới này thường sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để thu hút sự chú ý từ những người ở quê nhà, cả trong giới thượng lưu lẫn ngoài xã hội. Họ còn nhận được sự ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo chuyên gia về các vấn đề chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham (New York – Mỹ) Carl Minzner.

Tại Pháp, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng nhân viên viện dưỡng lão để cho người già chết vì đói và bệnh tật. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp sau đó triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để phản đối. Mỹ cũng phản ứng vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên mạng xã hội Twitter lời suy đoán vô căn cứ rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus SARS-CoV-2 đến Trung Quốc.

Ngược lại, các quan chức Trung Quốc lên án phương Tây “đạo đức giả”. Họ nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác phớt lờ dịch Covid-19, sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc khi virus lan tới.

Trong khi đó, tại Nigeria, Ghana và Uganda, các đặc phái viên Trung Quốc bị chỉ trích về báo cáo liên quan đến Covid-19 trong cộng đồng châu Phi ở TP Quảng Châu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe phải lên tiếng xóa tan nghi vấn Bắc Kinh “phân biệt chủng tộc”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước dịch Covid-19. Ông nói với Thời báo Tài chính rằng có những điều rõ ràng xảy ra mà chúng ta không hay biết. Một nhà ngoại giao hàng đầu của Anh cũng tuyên bố không thể “bình thường hóa” với Trung Quốc thời kỳ hậu đại dịch.

Một vấn đề đáng lưu ý, đó là các nhà ngoại giao Trung Quốc xem Covid-19 là cơ hội để khẳng định vai trò của mình. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới ca ngợi Bắc Kinh gửi thiết bị y tế và nhân viên cứu trợ giúp họ chống lại đại dịch.


Phạm Nghĩa (Theo AP)