Cuộc xung đột ở Dải Gaza đã bước sang ngày thứ sáu khi máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục không kích trong ngày 15-5 và lực lượng vũ trang Hồi giáo Hamas đáp trả bằng hàng loạt rốc-két.

Đáng chú ý là một ngày trước đó, Israel cho biết các đợt tấn công của quân đội nước này đã phá hủy hệ thống đường hầm dài hàng km cùng nhiều bãi phóng, nhà kho sản xuất vũ khí của Hamas. Phía Hamas xác nhận 20 thành viên thuộc nhiều cấp độ của họ thiệt mạng trong đường hầm song quân đội Israel tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều.

Số người thiệt mạng có thể sẽ tăng lên sau khi Israel tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào trại tị nạn Shati ở Dải Gaza rạng sáng 15-5 (giờ địa phương). Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 10.000 người Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 10-5.

Theo các quan chức y tế Palestine, đến nay đã có ít nhất 139 người thiệt mạng ở Gaza, gồm 39 trẻ em và gần 1.000 người bị thương. Số người thiệt mạng ở phía Israel là 8. Quân đội Israel cho biết hơn 2.000 quả rốc-két đã phóng từ Gaza vào Israel trong hơn 5 ngày qua, khoảng một nửa trong số đó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa Israel đánh chặn và khoảng 350 quả rơi xuống Dải Gaza.

Thi thể các nạn nhân người Palestine được đưa tiễn trong tang lễ ở trại tị nạn tại Dải Gaza ngày 15-5 Ảnh: REUTERS

Nỗi lo bạo lực lan ra khu vực lân cận khi 3 quả rốc-két được phóng từ phía Syria hướng đến Israel hôm 14-5. Quân đội Israel cho biết một quả rơi xuống lãnh thổ Syria và 2 quả còn lại rơi xuống khu vực hoang vu của cao nguyên Golan.

Vụ phóng rốc-két từ Syria diễn ra không lâu sau khi Israel tấn công mục tiêu tại Lebanon – nước láng giềng của Syria, làm chết một thành viên của Phong trào Hồi giáo Hezbollah. Động thái của Israel nhằm đáp trả vụ 3 quả rốc-két được phóng từ Lebanon vào Israel (nhưng đều rơi xuống biển).

Người phát ngôn của Hezbollah nhấn mạnh nhóm này không đứng sau vụ tấn công nhằm vào Israel. Theo tờ Times of Israel, Tổng thống Lebanon Michel Aoun cũng lên án mạnh mẽ khi Israel tấn công Hezbollah tại Lebanon. Hiện chưa rõ mối liên hệ giữa các vụ phóng rốc-két nhưng Hezbollah và các lực lượng dân quân khác do Iran hỗ trợ từng tấn công Israel từ lãnh thổ Syria trong quá khứ.

Israel còn phải đối phó các cuộc bạo động trong nước, vốn xảy ra giữa người Do Thái và người Ả Rập tại nhiều thành phố. Tình trạng hỗn loạn đã lan sang Bờ Tây khi hàng trăm người Palestine trẻ tuổi biểu tình ở nhiều thị trấn đã đụng độ với lực lượng an ninh Israel, khiến nhiều người bị bắn và ít nhất 13 người thiệt mạng.

Tòa nhà có các văn phòng truyền thông quốc tế bốc cháy trong vụ phóng tên lửa của Israel tại Dải Gaza hôm 15-5. Ảnh: Reuters

Theo AP, tại biên giới phía Bắc của Israel, quân đội Israel đã nổ súng khi một nhóm người biểu tình Lebanon, Palestine ở phía bên kia cắt hàng rào và băng qua biên giới, khiến 1 người Lebanon thiệt mạng. Bạo lực càng gia tăng khi 15-5 là ngày người Palestine kỷ niệm “Ngày thảm họa” – tưởng niệm khoảng 700.000 người bị trục xuất hoặc phải bỏ nhà cửa trên vùng đất hiện nay là Israel trong cuộc chiến năm 1948.

Tình hình căng thẳng trong khu vực sẽ là chủ đề bàn luận trong phiên họp ngày 16-5 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Song song đó, các nhà trung gian của Ai Cập, Qatar và Liên Hiệp Quốc đang đẩy mạnh liên lạc với tất cả các bên để cố gắng vãn hồi trật tự.

Ai Cập đang dẫn đầu nỗ lực làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Bộ trưởng Ngoại giao nước này cùng người đồng cấp Jordan đã thảo luận về các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột tại Dải Gaza và ngăn chặn các hành động khiêu khích ở Jerusalem. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp tình hình Dải Gaza. Trong khi đó, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Israel và Palestine, ông Hady Amr, đã đến Tel Aviv hôm 14-5. 

Đánh mạnh để đàm phán?

Một nguồn tin thân cận với các bên trung gian tiết lộ với báo The Times of Israel rằng Israel và Phong trào Hamas (Palestine) có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn trong những ngày tới. Theo nguồn tin này, các cuộc không kích tăng cường hiện nay của Israel có thể là cuối cùng trước khi hai bên đồng ý đình chiến.

Theo tờ báo trên, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas Khaled Mashaal hôm 14-5 tiết lộ với hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ rằng “các tay súng ở Dải Gaza đã sẵn sàng ngừng bắn nhưng chưa nhận được phản hồi từ Israel”. Ông Mashaal cho biết Mỹ và Nga cũng tham gia các cuộc đàm phán. Dù vậy, cổng tin tức al-Meyadeen dẫn lời một quan chức Hamas khác thừa nhận đàm phán “chưa có gì tiến triển”.

Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời một quan chức tình báo Ai Cập giấu tên cho hay Israel đã “bác bỏ đề xuất ngừng bắn một năm mà Ai Cập đưa ra hôm 14-5”, còn phía Hamas “đồng ý”. “Israel muốn trì hoãn thỏa thuận ngừng bắn cho đến khi phá hủy đáng kể năng lực quân sự của Hamas và Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo (IJ)” – ông này giải thích.

Phạm Nghĩa


XUÂN MAI

Chia sẻ