Nga đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự thảo nghị quyết do Mỹ và Albania bảo trợ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 25-2, với nội dung lên án cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và yêu cầu các lực lượng Nga rút lui hoàn toàn và vô điều kiện.

Phiếu trắng của Trung Quốc

Dự thảo nhận được 11 phiếu thuận và, đáng chú ý là, 3 phiếu trắng từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Trong cuộc điện đàm với những người đồng cấp châu Âu hôm 26-2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về tình hình Ukraine.

“Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ chủ quyền cùng toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, đồng thời tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh và nói thêm tuy “những yêu cầu an ninh chính đáng của Nga cần được ứng xử nghiêm túc và đúng đắn” nhưng tình hình hiện nay ở Ukraine “không phải là điều chúng tôi muốn thấy”.

Trước đó một ngày, theo Thời báo Hoàn Cầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh ủng hộ giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đàm phán. Bản tin trên đài CCTV (Trung Quốc) cho hay Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng đàm phán cấp cao với Ukraine.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Ukraine hôm 25-2 Ảnh: REUTERS

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc là cánh tay duy nhất khả dĩ giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang trút lên Nga.

Trong tuần này, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo sẽ nhập khẩu lúa mì từ mọi khu vực của Nga. Tuy không đủ bù đắp doanh thu mất đi do châu Âu ngừng mua nhưng quyết định của Trung Quốc phần nào giúp nông dân Nga bớt lo âu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không muốn đánh đổi thị trường Mỹ và châu Âu bằng cách giúp Nga quá nhiều. Giá trị thương mại Nga – Trung tăng lên mức 146,9 tỉ USD vào năm ngoái song con số này chưa bằng 1/10 tổng giá trị thương mại 1.600 tỉ USD giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), theo AP.

Kể cả muốn hỗ trợ Nga – bằng cách tăng nhập khẩu khí đốt và hàng hóa Nga, Trung Quốc có thể cũng không giúp được gì nhiều. Các đường ống nối 2 quốc gia hiện đã hoạt động hết công suất. Trung Quốc và Nga vừa ký thỏa thuận cung cấp khí đốt thời hạn 30 năm hồi tháng trước song hệ thống đường ống phục vụ hợp đồng này phải mất ít nhất 3 năm nữa mới hoàn tất.

“Vũ khí tài chính hạt nhân”

Trong khi đó, phương Tây tiếp tục gia tăng các đòn trừng phạt. Trong ngày 26-2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với Tổng thống Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.

Nhìn chung, 2 nhân vật quan trọng của nước Nga sẽ bị đóng băng tài sản nằm trong “tầm tay” của Mỹ và EU, đồng thời bị cấm nhập cảnh những nơi này. Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết Mỹ cũng trừng phạt Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, vốn đóng vai trò thu hút nguồn vốn cho kinh tế Nga.

Một tòa nhà dân cư bị hư hại trong các cuộc pháo kích của Nga ở phía Tây Nam Kiev – Ukraine hôm 26-2 Ảnh: Reuters

Không dừng lại ở đó, theo báo The Washington Post, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang chuyển sự chú ý đến món “vũ khí hủy diệt nhất” của mình. Biện pháp được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi tên “vũ khí hạt nhân tài chính”, đó chính là loại Nga ra khỏi SWIFT (tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới).

Hoạt động như một trung tâm thanh toán quốc tế trọng yếu, hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu có trụ sở tại Bỉ này có liên hệ với hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc…

Hãng tin Bloomberg cho biết các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thảo luận với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng thời làm việc với Ủy ban châu Âu (EC). Mỹ không có khả năng đơn phương loại Nga khỏi SWIFT mà cần có một sắc lệnh trừng phạt được EU thông qua. Trong quá khứ, SWIFT chỉ mới ngắt kết nối một lần vào năm 2012 và “nạn nhân” là Iran.

Các ngân hàng Phố Wall lo ngại việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ kích thích lạm phát tăng cao hơn nữa, đồng thời đẩy Nga lại gần Trung Quốc hơn. Vốn dĩ nhiều nước châu Âu cũng không ủng hộ loại Nga khỏi SWIFT, trong đó có Đức và Ý. Nhưng những diễn biến tại Ukraine hiện nay khiến nhiều quốc gia công khai nhắc đến giải pháp cực mạnh này, như Anh, Canada và Hà Lan.

Tình cảnh của người Ukraine sau khi xung đột bộc phát

Gương mặt trung gian mới

Trong lúc này, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng cử phái đoàn đến thủ đô Minsk của Belarus đàm phán với Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định sẽ tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh Nga – Ukraine.

Đáp lại, Mỹ bác đề nghị đàm phán mà Nga đưa ra với Ukraine, mô tả đây là kiểu “ngoại giao trước họng súng” và kêu gọi Moscow thể hiện cam kết về ngoại giao bằng cách rút quân khỏi Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 25-2 nhấn mạnh ngoại giao cưỡng ép sẽ không giúp kết thúc cuộc xung đột này một cách thực sự.

Trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc ngoại giao, Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk nói với đài CNN rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett chủ trì và làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Ông Korniychuk cho biết Jerusalem thích hợp hơn Minsk, nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine trước đây, vì Belarus là đồng minh thân cận của Nga. Đại sứ Korniychuk lên tiếng: “Ukraine luôn xem Israel là một trong những bên trung gian nổi bật nhất trong cuộc đàm phán với Tổng thống Putin”.

Đề cập đến phản ứng của Israel, ông Korniychuk tiết lộ nước này chưa nói đồng ý hay từ chối, họ đang xem xét đề nghị và đó là dấu hiệu tích cực. Theo tờ Jerusalem Post, ông Korniychuk đã liên lạc với các đại sứ EU và dự kiến thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Israel Tom Nides. 

Kiev “ngàn cân treo sợi tóc”

Lực lượng Nga đang cố điều động số lượng lớn binh sĩ và vũ khí vào Kiev trong khi giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở vùng ngoại ô thủ đô Ukraine hôm 26-2.

Theo giới chức Kiev, tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà dân cư trong thành phố. Nhân chứng của hãng tin Reuters cho biết một tên lửa khác bắn trúng khu vực gần sân bay Kiev. Nhiều tiếng súng nổ cũng được nghe thấy gần các tòa nhà chính phủ ở trung tâm Kiev.

Tuy nhiên, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết các lực lượng Ukraine đã xây dựng hàng phòng thủ vững chắc ngăn lực lượng Nga và tình hình Kiev vẫn đang được kiểm soát.

Lực lượng cứu hỏa dập lửa một tòa nhà chung cư bị hư hại trong trận pháo kích ở Kiev – Ukraine hôm 26-2 Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh lực lượng Nga bao vây Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết chiến đấu đến cùng trong một đoạn video được quay bên ngoài văn phòng của ông ở thủ đô.

Tổng thống Ukraine kêu gọi người dân bảo vệ thủ đô và không tin vào những thông tin sai lệch về việc quân đội chính phủ đầu hàng. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố hàng trăm binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh nhưng thừa nhận thương vong cũng được ghi nhận phía Ukraine.

Ông Zelenskiy cáo buộc Nga sử dụng nhiều hệ thống tên lửa nhằm vào tòa nhà dân cư, gồm trường mẫu giáo. Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho biết chính phủ Mỹ đã đề nghị sơ tán tổng thống Ukraine khỏi thủ đô Kiev nhưng ông từ chối.

Theo hãng tin Interfax (Nga), các lực lượng Nga đã chiếm được TP Melitopol ở Đông Nam Ukraine hôm 26-2. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trung tâm dân cư quan trọng đầu tiên mà Nga chiếm giữ kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2. Trước đó, các quan chức Ukraine cho hay lực lượng Nga đã bắn tên lửa hành trình từ biển Đen vào TP Mariupol, cũng như vào TP Sumy ở phía Đông Bắc và TP Poltava ở phía Đông.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine chứ không phải cơ sở hạ tầng dân cư.


HẢI NGỌC – XUÂN MAI