Giá dầu thế giới hôm 12-7 sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chịu tác động từ các biện pháp phong tỏa mới để phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc và nỗi lo về “sức khỏe” kinh tế thế giới.

Giá dầu thô Brent và dầu thô WTI của Mỹ có thời điểm giảm xuống còn 104,68 USD/thùng và 101,32 USD/thùng, theo Reuters. Các chuyên gia của Công ty Tư vấn Eurasia Group (Mỹ) nhận định nỗi lo gia tăng về nguy cơ suy thoái và nhu cầu tiếp tục kém khởi sắc tại Trung Quốc đang đẩy giá đi xuống dù sự cân bằng cung cầu hiện nay vẫn còn bấp bênh.

Nhiều thành phố Trung Quốc đang tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế số ca nhiễm mới, trong đó có hạn chế đi lại và phong tỏa. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và những động thái như thế có thể tác động đến hoạt động kinh tế, từ đó giảm nhu cầu đối với mặt hàng này.

Cùng lúc đó, theo trang Insider, nỗi lo Mỹ và châu Âu có thể sớm rơi vào suy thoái đang tăng trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất cao. Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hôm 11-7 cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro. Hồi tháng 5, EC dự báo khu vực này chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, so với mức 4% đưa ra hồi tháng 2.

Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Aramco ở Ả Rập Saudi, quốc gia cho biết đang sản xuất dầu ở mức gần công suất tối đaẢnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gần đây cho biết tổ chức này vào cuối tháng 7 sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay dù không tiết lộ con số mới.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% năm 2022, thấp hơn so với mức 6,1% hồi năm 2021. Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Georgieva thậm chí không loại trừ kịch bản kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi xét đến các nguy cơ đang gia tăng.

Dù vậy, giá dầu khó có thể giảm mạnh bởi nỗi lo dai dẳng về nguồn cung toàn cầu. Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy dầu thô và nhiên liệu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang công du châu Á để thảo luận nỗ lực tăng cường trừng phạt Moscow, trong đó có việc áp trần giá đối với dầu Nga để vừa hạn chế nguồn thu của nước này vừa giúp giảm giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến thúc giục Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng cường sản lượng khai thác khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Ả Rập Saudi trong tuần này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 11-7 cho biết thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh các thành viên OPEC vẫn còn khả năng tăng sản lượng dầu mỏ ngay cả khi Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết họ khó làm thế.

Theo ông Sullivan, Washington sẽ nêu quan điểm rằng cần phải có đủ nguồn cung trên thị trường toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế thế giới và người tiêu dùng Mỹ.

Dù vậy, một số chuyên gia nhận định không có nhiều hy vọng chuyến thăm của ông Biden sẽ đạt được mục tiêu này. Theo họ, lý do kinh tế khiến các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông khó có thể đồng ý tăng thêm sản lượng để giúp giá dầu tiếp tục hạ nhiệt.

Chẳng hạn như kinh tế Ả Rập Saudi hiện phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và đã tăng trưởng 9,6% trong quý I/2022, mức cao nhất trong một thập kỷ. Một lý do khác là Ả Rập Saudi từng tuyên bố đang sản xuất ở mức gần công suất tối đa.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan cho biết quốc gia này đã “làm mọi điều có thể” cho thị trường dầu. Quan chức này lập luận ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả Rập Saudi cần tăng năng lực lọc dầu thay vì chỉ khai thác thêm dầu thô. 


Hoàng Phương