Tổng thống Donald Trump có vẻ bị cô lập trong hội nghị G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) trực tuyến hôm 16-4 khi một số nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi Mỹ ngừng cấp tài trợ cho tổ chức này.

Các quan chức y tế trên thế giới đã lên án Tổng thống Donald Trump vì quyết định ngừng đóng góp cho WHO giữa đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) đã khiến hơn 2 triệu người mắc và hơn 140.000 người thiệt mạng. Trước đó, ông Donald Trump hoãn tài trợ cho WHO vì cáo buộc tổ chức này thiên vị Trung Quốc trong ứng phó dịch bệnh. Trong cuộc họp, các lãnh đạo G7 đã lên tiếng ủng hộ WHO và kêu gọi hợp tác quốc tế.

Ngay sau hội nghị trực tuyến kéo dài một giờ, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay bà Merkel nhấn mạnh phản ứng mạnh mẽ và phối hợp quốc tế có thể giúp vượt qua đại dịch. Đồng quan điểm, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng: “Cần có sự hợp tác quốc tế và WHO là một phần quan trọng của sự phối hợp đó. Chúng tôi nhận thấy có một số hoài nghi nhưng lúc này, việc chúng ta tiếp tục phối hợp với nhau là rất quan trọng”.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tham dự cuộc họp G7 trực tuyến do Tổng thống Donald Trump chủ trì hôm 16-4 tại thủ đô London – Anh Ảnh: REUTERS

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), các quan chức Mỹ cho biết cân nhắc thành lập một tổ chức đối trọng với WHO nhưng cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào bày tỏ sự ủng hộ. Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỉ phú Bill Gates cũng tuyên bố quyên góp thêm 150 triệu USD cho WHO sau động thái của ông Donald Trump. Trong tháng này, Anh đã tăng tài trợ cho WHO và nhận thấy WHO có đóng góp vào nỗ lực ngoại giao khéo léo để Trung Quốc cho phép điều tra dịch bệnh ở nước này.

Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp trong hội nghị cam kết trực tuyến quốc tế dự kiến vào ngày 4-5 sắp tới để tăng cường sự chuẩn bị chung và bảo đảm đủ ngân sách để phát triển cũng như triển khai vắc-xin chống lại dịch Covid-19. Hội nghị này có thể giúp lấp đầy lỗ hổng tài chính do Mỹ hoãn tài trợ cho WHO.

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn cho rằng việc Mỹ chỉ trích WHO nhận được sự ủng hộ trong hội nghị G7. Theo Nhà Trắng, nhiều cuộc thảo luận đã tập trung vào sự thiếu minh bạch và cách xử lý sai lầm nghiêm trọng về đại dịch của WHO. Các nhà lãnh đạo G7 đã kêu gọi xem xét kỹ lưỡng và cải cách quy trình tại WHO. Tuy một số lãnh đạo G7 tỏ ra hoài nghi về vai trò của WHO và phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh nhưng lập luận rằng đại dịch Covid-19 không phải là thời điểm gián đoạn vai trò lãnh đạo quốc tế của WHO bằng cách ngừng cấp kinh phí.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến do ông Donald Trump chủ trì, các lãnh đạo G7 đã nỗ lực tìm cách chấm dứt tình trạng tê liệt kinh tế. Nhà Trắng cho biết nhóm này nhất trí phối hợp chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn và trên cơ sở cho phép các quốc gia trong nhóm tái tăng trưởng kinh tế cùng với hệ thống y tế mạnh mẽ và chuỗi cung ứng đáng tin cậy.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các hướng dẫn cho việc mở cửa lại nền kinh tế. Phát biểu trong cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 16-4, Tổng thống Donald Trump lập luận việc phong tỏa kéo dài nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan có thể gây tổn hại nặng cho nền kinh tế và xã hội Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, trong những hướng dẫn mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất, các bang cần ghi nhận xu hướng đi xuống của số ca mắc trước khi bắt đầu quá trình tái mở cửa theo 3 giai đoạn. Hướng dẫn không đề xuất ngày mở cửa cụ thể, thay vào đó, kế hoạch khuyến khích các bang tự dựa vào dữ liệu riêng để đưa ra quyết định. 


Xuân Mai