Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khép lại tại TP Bengaluru – Ấn Độ hôm 25-2 mà không đưa ra được tuyên bố chung về kinh tế toàn cầu do bất đồng về xung đột Nga – Ukraine.

Là nước chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột nên không muốn thảo luận về vấn đề tăng cường trừng phạt Nga tại các cuộc họp, cũng như tránh dùng từ “chiến tranh” trong các tuyên bố chính thức của nhóm.

Tại hội nghị này, theo Reuters, các nước phương Tây đòi hỏi tuyên bố chung phải có nội dung chỉ trích Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc không muốn G20 là nơi thảo luận các vấn đề chính trị mà chỉ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính.

Các quan chức Ấn Độ tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 khép lại tại TP Bengaluru hôm 25-2 Ảnh: REUTERS

Bất đồng về khủng hoảng Ukraine khiến Ấn Độ cuối cùng chỉ đưa ra được tài liệu tóm tắt kết quả 2 ngày làm việc của hội nghị và ghi nhận các bất đồng. Theo tài liệu, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm nghiêm trọng hơn những bất ổn hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu, như tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng, những rủi ro đối với ổn định tài chính, an ninh năng lượng và lương thực…

Dù vậy, tài liệu nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đã “cải thiện nhẹ” so với thời điểm diễn ra hội nghị trước (tháng 10-2022) nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn chậm. Kinh tế thế giới hiện đối mặt với một số rủi ro, như lạm phát cao, nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các nước nghèo mắc nhiều nợ…

Một số nội dung thảo luận quan trọng khác của hội nghị là tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo đang gặp khó và nỗ lực hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Theo tài liệu tóm tắt kết quả hội nghị, các thành viên G20 nhất trí cần nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ công tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời khẳng định các chủ nợ công và tư cần tăng cường sự điều phối đa phương. Văn bản này còn nhắc đến thảm họa động đất gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách thuế toàn cầu, an ninh lương thực, tiền điện tử…

Đối mặt sức ép về cuộc xung đột Nga – Ukraine tại Hội nghị G20, Moscow đã lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây “chống Nga” đã gây bất ổn cho nhóm này. Tranh cãi mới nhất này diễn ra trong bối cảnh xung đột vừa bước qua năm thứ hai và một số nước đang thúc đẩy nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Ngay sau khi Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25-2 cho biết sẽ đến Bắc Kinh trong tháng 4 tới. Theo nhà lãnh đạo Pháp, mục đích chuyến thăm là tìm kiếm sự giúp đỡ của nước chủ nhà cho nỗ lực chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. “Việc Trung Quốc tham gia các nỗ lực hòa bình là điều tốt” – ông Macron nhận định về đề xuất của Bắc Kinh.

Trước khi ông Macron công bố kế hoạch đến Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ thăm nước này từ ngày 28-2 đến 2-3. Ông Lukashenko là người ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thời gian qua và cuộc xung đột này có thể là một chủ đề thảo luận quan trọng khi nhà lãnh đạo Belarus thăm Trung Quốc.

Phát biểu với giới truyền thông trong và ngoài nước hồi giữa tháng này, ông Lukashenko kêu gọi khởi động hòa đàm càng sớm càng tốt thay vì tiếp tục cuộc xung đột. Tờ The New York Times nhận định chuyến công du của ông Lukashenko sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan tâm, cũng như gây sức ép, nhiều hơn đến lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột. 


Hoàng Phương