Trong bối cảnh như thế, theo Reuters, các nhà lãnh đạo G20 tập trung bàn thảo chuyện mua và phân phối vắc-xin, thuốc và bộ xét nghiệm Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp. Liên minh châu Âu (EU) hôm 21-11 thúc giục G20 đầu tư 4,5 tỉ USD để giúp đỡ nỗ lực trên. Bên cạnh đó, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, trong ngày 22-11 dự kiến đề xuất một hiệp ước quốc tế về Covid-19 nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác toàn cầu để đối phó dịch bệnh đã khiến hơn 58 triệu người mắc bệnh và 1,3 triệu người tử vong cho đến giờ.

Các thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời bơm 11.000 tỉ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước sự “tàn phá” của virus SARS-CoV-2. Một báo cáo được Quỹ Tiền tệ quốc tế chuẩn bị cho hội nghị nhận định kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần từ cuộc khủng hoảng nhưng đà hồi phục đang chậm lại tại những nước có số ca nhiễm mới tăng trở lại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế hồi tháng 9 dự báo GDP toàn cầu giảm 4,5% trong năm nay, so với mức giảm 6% được đưa ra vào tháng 6.

Nỗ lực thúc đẩy kinh tế hồi phục một khi dịch Covid-19 được kiểm soát là một trong những nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-11.Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đặc biệt lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với những nước đang phát triển hiện bên bờ vực nghèo đói và mắc nhiều nợ. “Chúng ta không thể để đại dịch Covid-19 dẫn đến một đại dịch nợ” – ông Guterres khẳng định. Để giải tỏa nỗi lo này, G20 sẽ thông qua kế hoạch gia hạn Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ đến giữa năm 2021 và để ngỏ khả năng gia hạn thêm, theo bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những vấn đề đứng đầu chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay. Theo sau bước đi của EU, khoảng một nửa thành viên G20, trong đó có Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi…, đều cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Tại hội nghị này, EU kêu gọi G20 nhất trí về những tiêu chuẩn toàn cầu chung liên quan đến đầu tư “xanh” để giúp thu hút thêm nguồn lực tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, EU còn thúc giục cải cách Tổ chức Thương mại thế giới nhằm thúc đẩy các chính sách thương mại quốc tế theo hướng bền vững hơn cũng như xây dựng các tiêu chuẩn chung cho “trái phiếu xanh” nhằm huy động ngân sách cho các khoản đầu tư xanh.

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu của G20 sắp tới có thể còn nhận được cú hích không nhỏ trong trường hợp ông Joe Biden được chính thức công nhận thắng cử và lên nắm quyền tại Mỹ. Washington đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thời chính quyền ông Donald Trump nhưng ông Biden có thể đảo ngược quyết định này sau khi vào Nhà Trắng. 


Hoàng Phương

Chia sẻ