Người phát ngôn chính của lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yury Ignat, nói với FT rằng các đơn vị phòng không của ông thường bắn 2 tên lửa S-300 hoặc Buk vào mỗi quả đạn của Nga để tăng cơ hội đánh chặn.

Tuy nhiên, điều này đặt ra những thách thức nhất định vì Ukraine không thể mua thêm tên lửa cho các hệ thống này – vốn do Nga sản xuất. Trong khi đó, việc tìm kiếm tên lửa ở nơi khác gặp nhiều khó khăn.

Ukraine đang “cạn kiệt nguồn cung cấp đạn dược và phụ tùng thay thế cho các hệ thống phòng không S-300 và Buk”. Ảnh: Anadolu

Cũng theo ông Ignat, Kiev đang nhận được các hệ thống phòng không hiện đại từ phương Tây và sẽ cần hàng trăm hệ thống như vậy để thay thế kho vũ khí cũ kỹ của mình.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang sử dụng các loại vũ khí này vì vũ khí của Liên Xô trong những năm 1970 và 1980 đều đã lỗi thời” – ông Ignat nói.

Nga bắt đầu nhắm mục tiêu vào cơ sở năng lượng của Ukraine vào đầu tháng 10 năm nay sau khi cáo buộc Kiev tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của mình, bao gồm cây cầu chiến lược trên bán đảo Crimea.

RT cho biết đợt tấn công tên lửa mới nhất của Nga diễn ra vào ngày 5-12. Trước đó, máy bay không người lái của Ukraine “nhắm mục tiêu vào các sân bay của Nga ở 2 vùng Saratov và Ryazan, khiến 3 quân nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương”.

Kiev nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây cung cấp hệ thống phòng không. 

Ngày 12-12, Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7), bao gồm các nước phương Tây ủng hộ Kiev, đánh tín hiệu rằng họ có kế hoạch “tập trung cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine”.

Tuy nhiên, ngày 11-12, người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, thừa nhận kho dự trữ để hỗ trợ an ninh cho Kiev đã cạn kiệt.

Hồi tháng trước, đài CNN đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ “đang cạn kiệt một số hệ thống vũ khí và đạn dược tiên tiến được sử dụng để cung cấp cho Kiev”. 


Phạm Nghĩa