Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc họp trực tuyến đặc biệt gồm lãnh đạo các nước thành viên của EU. Theo lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU không công nhận chức vụ tổng thống của ông Lukashenko vì cho rằng cuộc bầu cử vào ngày 14-8 không công bằng.

“EU sẽ đoàn kết với người dân Belarus và chúng tôi không chấp nhận việc miễn trừ hình phạt. Người dân có quyền tự do bầu chọn lãnh đạo của họ” – ông Michel tuyên bố.

Ngoài ra, hội đồng còn thông báo các lãnh đạo hàng đầu của chế độ Belarus có liên quan đến hành động bạo lực với người biểu tình và gian lận bầu cử sẽ bị trừng phạt trong tương lai trong bối cảnh Belarus vốn đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ EU.

Ông Michel cũng kêu gọi quan chức Belarus giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Chủ tịch Hội đồng châu Âu xác nhận ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về Belarus. “Chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng. Tương lai của người dân Belarus phải do chính họ quyết định tại Belarus chứ không phải tại Brussels hay Moscow” – ông Michel nói.

Người biểu tình tụ tập tại thủ đô Minsk ngày 19-8. Ảnh: AP

Cùng ngày, Nga tuyên bố việc các nước EU gây áp lực lên Belarus là “không thể chấp nhận”. “Chúng tôi cho rằng người dân Belarus nên giải quyết vấn đề của họ trong khuôn khổ đối thoại, luật pháp và không có sự can thiệp bên ngoài” – đài NPR dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Trong khi đó, ông Lukashenko vẫn đang nỗ lực khẳng định lại quyền kiểm soát của mình bằng cách ra lệnh chấm dứt các cuộc biểu tình tại thủ đô Minsk, một động thái báo hiệu căng thẳng leo thang.

Kết quả bầu cử tổng thống Belarus vào ngày 14-8 đã làm bùng lên làn sóng biểu tình trên khắp cả nước và khiến lực lượng an ninh vào cuộc để trấn áp. Trong khi đó, đối thủ của ông Lukashenko, bà Svetlana Tikhanovskaya, bị buộc phải rời khỏi Belarus sau khi kết quả được công bố. Bà đang kêu gọi hòa giải quốc tế để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị.


Bảo Hạnh (Theo Brussels Times, NPR, BBC)

Chia sẻ