Câu hỏi là liệu bất cứ quốc gia nào trong số này có đủ khả năng kỹ thuật và, quan trọng hơn, là liệu họ có sẵn sàng đứng lên hay không?

Các nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, song Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt – nguồn thu chính của Moscow, vì lo ngại kinh tế của họ bị tổn hại.

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU (nếu có) có thể dẫn đến mức thâm hụt 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Mặc dù các nước Trung Đông nắm giữ gần 50% trữ lượng dầu đã được phát hiện trên thế giới, những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, xung đột, chính trị và trừng phạt có thể là lí do khiến họ không thể “cứu” châu Âu.

Ả Rập Saudi, nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thời gian qua liên tục từ chối đề nghị của Mỹ về việc đẩy mạnh sản xuất vượt hạn ngạch đã thống nhất từ lâu với Nga và những quốc gia không thuộc OPEC khác. Do đó, Ả Rập Saudi nhiều khả năng sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi gia tăng sản lượng của châu Âu.

Vì nhiều lí do khác nhau, các nước Trung Đông nhiều khả năng không thể bù đắp nguồn cung thâm hụt cho EU nếu tổ chức này cấm vận dầu Nga. Ảnh: Reuters

Các nước Trung Đông có thể chuyển hướng nguồn cung hiện hành cho châu Á sang châu Âu, song động thái này có thể làm tổn hại mối quan hệ đối tác giữa họ với khách hàng chính là Trung Quốc, chuyên gia Robin Mills của Công ty Qamar Energy (Dubai) khẳng định.

Về lý thuyết, Iraq có thể bơm thêm 660.000 thùng/ngày, Giám đốc điều hành Yousef Alshammari của Công ty Cmarkits (London) cho biết. Tuy nhiên, tình hình chia rẽ phe phái và bế tắc chính trị ở Baghdad đồng nghĩa châu Âu không thể trông chờ vào Iraq, nhất là khi quốc gia này thiếu cơ sở hạ tầng để gia tăng nguồn cung và dòng vốn đầu tư vào các dự án dầu mỏ có thể mất nhiều năm mới cho ra “quả ngọt”.

Iran là quốc gia có cơ sở hạ tầng đủ tốt để bơm thêm dầu vào thị trường nhưng họ lại đang chịu tác động của lệnh trừng phạt Mỹ. Trong trường hợp được Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận, Iran có thể đóng góp thêm 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran hiện rơi vào bế tắc và Mỹ nhiều khả năng sẽ không “chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ chỉ để đưa thêm dầu vào thị trường”, chuyên gia Amena Bakr của Công ty Energy Intelligence (Mỹ) nhận định.

Mỹ cũng là một phương án tiềm tàng đối với châu Âu. Tuy nhiên, kể cả khi Mỹ đồng ý, lượng dầu mà quốc gia này bơm thêm là không đủ và cũng không phù hợp với nhu cầu sử dụng của châu Âu, bởi dầu thô Mỹ rất nhẹ.

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU (nếu có) có thể dẫn đến mức thâm hụt 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Đàm phán Đức-Qatar gặp khó

Reuters ngày 10-5 dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết Đức và Qatar đang gặp nhiều vấn đề trong đàm phán liên quan đến nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Đức không chấp nhận yêu cầu của Qatar về việc ký hợp đồng có thời hạn ít nhất 20 năm để được cung cấp lượng LNG dồi dào nhằm giảm bớt phụ thuộc vào khí đố Nga.

Qatar, nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, cũng đang cụ thể hóa các điều khoản, chẳng hạn như điều khoản liên quan đến điểm đến có thể ngăn Berlin chuyển nguồn cung sang các khu vực khác ở châu Âu. EU phản đối điều khoản này.


Cao Lực