Thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) hôm 22-12 cho rằng các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan vi phạm các nguyên tắc chung về quyền tự chủ, tính ưu tiên, tính hiệu quả và sự áp dụng thống nhất của luật Liên minh và các phán quyết ràng buộc của Tòa án Công lý (ECJ).

Ba Lan sẽ có 2 tháng để hồi đáp thông báo chính thức của EC. Nếu EC không hài lòng với hồi đáp của Warsaw, cơ quan này có thể gửi Ba Lan kiến nghị, yêu cầu nước này tuân thủ luật pháp EU – văn bản này cũng có thời hạn hồi đáp là 2 tháng.

Liên minh châu Âu (EU) đã có hành động pháp lý chống lại Ba Lan. Ảnh: Reuters

Sau thời gian nói trên, EC có thể kiện Ba Lan ra ECJ và tòa có thể áp đặt các mức phạt mỗi ngày cho đến khi Warsaw tuân thủ kiến nghị. EC đã áp dụng hình thức phạt này với Ba Lan trong hai vụ kiện khác, với mức phạt lên đến 1,5 triệu euro/ngày.

Phản ứng trước động thái trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 22-12 cho rằng quyết định của EU phản ánh xu hướng chủ nghĩa tập trung quan liêu ở Brussels và cần phải được chấm dứt.

Bước đi này làm leo thang căng thẳng đối đầu từ lâu giữa Warsaw và Brussels về việc Ba Lan bị cho là đi lùi đối với các chuẩn mực dân chủ của Liên minh châu Âu (EU). Brussels đã từ chối phê duyệt quỹ khôi phục sau đại dịch Covid-19 cho Ba Lan vì mâu thuẫn nói trên.

Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho rằng các quyết định trên nhằm vào Ba Lan vì Warsaw vi phạm nguyên tắc của luật EU và một số điều khoản của các hiệp ước EU không phù hợp với luật của Ba Lan.

Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta đã đáp trả khi gọi động thái của EU là “một cuộc tấn công vào hiến pháp Ba Lan và chủ quyền của nước này”.

Cựu Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo gay gắt cho rằng: “Đây không còn là cuộc tranh chấp pháp lý nữa, đó là một cuộc tấn công vào hiến pháp Ba Lan và các nền tảng của Ba Lan”.

Ông Wojciech Przybylski, tổng biên tập tạp chí về các vấn đề thời sự Visegrad Insight, nói với kênh Al Jazeera rằng dường như chính quyền Ba Lan không còn cách nào thoát khỏi bế tắc vào lúc này.

Theo ông Przybylski, để thoát khỏi tình trạng bế tắc vốn dẫn đến việc EU hoãn tài trợ Ba Lan, chính phủ Ba Lan cần phải sửa đổi luật và trao quyền cho hệ thống tòa án ra quyết định độc lập hơn trong khi EU cũng không thể phớt lờ vấn đề này.


Xuân Mai

Chia sẻ