Tại Pháp và Đức, các quan chức cấp cao cho biết Mỹ đã trả giá cao hơn thị trường cho các loại khẩu trang y tế từ nhà sản xuất số 1 Trung Quốc. Thỉnh thoảng Washington còn giành được hợp đồng nhờ giá thầu cao hơn kể cả khi những người mua từ châu Âu tin rằng thỏa thuận đã xong. Bộ trưởng Y tế Brazil cũng than phiền về sự việc tương tự.

“Tiền không phải là vấn đề. Họ trả bất cứ giá nào vì họ đang tuyệt vọng” – trích lời một quan chức cấp cao trong Liên minh giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Một nguồn tin từ chính phủ tiết lộ: “Người Mỹ đang hành động và mang theo rất nhiều tiền”. 

Kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc cuối năm 2019, đại dịch đã lây lan ra khắp thế giới. Chính phủ ở các nước châu Âu, châu Mỹ và những nơi khác đang cố gắng thu gom vật tư cho y bác sĩ, nhân viên viện dưỡng lão và cộng đồng.

Giờ đây, khi tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt quá 1 triệu và dịch bệnh bùng nổ ở Mỹ, cuộc đua giành hàng hóa càng trở nên khốc liệt.

Một người phụ nữ dùng khăn che mặt tại thủ đô Washington – Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngày 3-4, Tổng thống Donald Trump nói chính phủ Mỹ đang khuyến cáo người dân dùng khăn che mặt trên cơ sở tự nguyện để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) không khuyến khích dùng khẩu trang y tế.

Ngoài ra, ông Trump nói ông đang ký chỉ thị ngừng xuất khẩu khẩu trang N95 và các loại thiết bị khác để cung cấp vật tư cần thiết cho nhân viên y tế. Cụ thể, tập đoàn 3M thông báo Nhà Trắng đã yêu cầu họ ngừng tất cả các chuyến hàng được sản xuất ở Mỹ đến Canada và Mỹ Latin. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên tiếng rằng việc chặn các lô hàng qua biên giới sẽ là “một sai lầm” có thể phản tác dụng vì các chuyên gia sức khỏe của Canada vẫn đi làm ở TP Detroit, bang Michigan mỗi ngày.

Trong một trường hợp khác, Bộ trưởng Nội vụ của thủ đô Berlin Andreas Geisel thông báo một đơn hàng gồm 200.000 khẩu trang gửi đến Đức từ nhà máy 3M ở Trung Quốc đã bị “tịch thu” tại Bangkok – Thái Lan. Ông Geisel lên án đây là “hành động cướp bóc hiện đại. “Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu quý vị cũng không nên dùng phương pháp ‘Miền Tây hoang dã'” – ông nói.

Một quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hồi tuần này rằng các công ty và chính phủ Mỹ đang trả giá cao hơn so với thị trường cho phần lớn các thiết bị mua ở nước. Quan chứ giấu tên trên tiết lộ Mỹ sẽ mua không ngừng “đến khi chúng tôi có quá nhiều” và vẫn có thể tìm mua thiết bị bảo hộ từ nước ngoài đến tháng 8. “Chúng tôi đã cố gắng giành lấy mọi thứ mà chúng tôi có thể” – người này nói.

Tại Brazil, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta ngày 31-3 cho biết Trung Quốc đã hủy bỏ một số đơn đặt hàng thiết bị của Brazil khi chính phủ Mỹ gửi hơn 20 máy chở hàng đến nước này để mua những sản phẩm tương tự. 

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra Pháp. Chính trị gia Jean Rottner nói việc đảm bảo các đơn hàng khẩu trang đến được vùng Grand Est không khác gì một cuộc chiến dai dẳng. Grand Est là nơi bùng phát dịch đầu tiên trước khi lan về phía Tây đến thủ đô Paris. Theo lời ông Rottner, các lô hàng đều đổi chủ vào phút chót. “Trên đường băng, Mỹ tung tiền mặt và trả cao gấp 3, 4 lần so với giá chúng tôi đề nghị” – ông Rotterner bức xúc nói với đài RTL France vào ngày 1-4.


Bảo Hạnh (Theo Reuters)