Nhà khoa học thần kinh Susan Greenfield, một trong những thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã xác định được một chất độc thần kinh là T14, chất thật sự dẫn đến chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất là Alzheimer.

Từ đó, họ phát triển một loại thuốc đột phá dưới dạng xịt mũi, nhắm vào các tế bào ở trung tâm não – gọi là lõi isodendritic, nhằm hạn chế những tổn thương do T14 gây nên.

“Phần lớn các nhà khoa học từ lâu cho rằng các mảng amyloid là nguyên nhân gây bệnh. Nhưng chúng tôi tin rằng các mảng amyloid tích tụ sau khi quá trình thoái hóa não bắt đầu. Đó là lý do vì sao các phương pháp điều trị tấn công vào amyloid không thành công” – tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Greenfield.

Các nhà khoa học của Neuro-Bio tại phòng thí nghiệm – Ảnh: Neuro-Bio

Bà Greenfield và các cộng sự nhận thấy các tế bào thuộc lõi isodendritic đã bắt đầu chết trong não người mắc bệnh Alzheimer từ 10-15 năm trước khi họ xuất hiện triệu chứng do tác động của T14.

Tiến sĩ Richard Mohs, Giám đốc khoa học của Tổ chức Nền tảng bệnh Alzheimer toàn cầu (GAP), cho rằng giả thuyết về T14 của tiến sĩ Greenfield hoàn toàn phù hợp với cơ sở bằng chứng đã được tích lũy về chủ đề này ngay từ đầu, đồng thời ca ngợi phương pháp điều trị mới của Neuro-Bio là “sáng tạo và có khả năng rất hiệu quả”.

Nhóm nghiên cứu từ Neuro-Bio cho biết vào ngày 5-4, họ sẽ công bố chính thức kết quả thử nghiệm trên chuột, cho thấy phương pháp điều trị mới này hiệu quả. Đây là bước đầu tiên để tiến tới các thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tại Anh, hiện có khoảng gần 900.000 người mắc chứng sa sút trí tuệ và 70.000 người chết vì nó mỗi năm. Sa sút trí tuệ và nhóm bệnh mất trí nhớ nói chung luôn nằm trong danh sách 10 căn bệnh gây tử vong sớm hàng đầu theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

WHO ước tính vào năm 2019, tổng chi phí xã hội toàn cầu cho bệnh này lên tới 1.300 tỉ USD và sẽ vượt mốc 2.800 tỉ USD vào năm 2030 vì bệnh có xu hướng gia tăng mạnh.


Anh Thư