Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tiếp lãnh đạo, đại diện Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima – Việt Nam, Hội Hiroshima – Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Hiroshima, Thủ tướng mong muốn các hội hữu nghị của Hiroshima tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với Nhật Bản nói chung và với Hiroshima nói riêng ngày càng bền chặt, hiệu quả; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhiều hơn tại Việt Nam; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi, phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa hai nước.

Dịp này, Thủ tướng chứng kiến Hãng Hàng không Vietjet công bố đường bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam đến tỉnh Hiroshima, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch, thương mại, đầu tư… giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz Ảnh: NHẬT BẮC

Cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz, tập đoàn có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỉ USD. Ông Fujimoto Masayoshi cho biết Sojitz cam kết đầu tư mạnh mẽ, lâu dài tại Việt Nam; trình bày một số ý tưởng mở rộng hoạt động đầu tư thời gian tới.

Ông thông tin hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp lớn, đang muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Có khoảng 70 doanh nghiệp đang tìm hiểu về khả năng Sojitz mở thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam.

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng

Thủ tướng đề nghị Sojitz tiếp tục mở rộng đầu tư các hệ sinh thái khu công nghiệp, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp có nguồn lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tối 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 150 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, lành mạnh.

Trong chương trình công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự 3 phiên thảo luận về các chủ đề: “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”; tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio để thảo luận về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; dự và phát biểu tại tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Nhật Bản; tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản… 

G7 tập trung vào công nghệ xanh và Ukraine

Theo báo The New York Times, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng Ukraine Oleksii Danilov cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima – Nhật Bản vào cuối tuần này và đưa ra các đề xuất, lập luận rõ ràng liên quan các sự kiện diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Mọi khía cạnh của cuộc xung đột Nga – Ukraine dự kiến sẽ được lãnh đạo các quốc gia G7 – Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý – thảo luận trong các ngày tới, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và hỗ trợ Ukraine.

Thúc đẩy công nghệ xanh cũng là vấn đề đang được G7 quan tâm trong khuôn khổ hội nghị. Phát biểu hôm 19-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng G7 đang cùng nhau tham gia cuộc đua này và nên hợp tác với nhau để tiếp cận các công nghệ tốt nhất, sự cạnh tranh nên theo hướng công bằng, tích cực nhằm tạo ra năng lực sản xuất bổ sung và không gây thiệt hại cho nhau.

Bà cũng cho rằng G7 nên xem xét đặt mực tiêu xây dựng năng lực sản xuất năng lượng sạch toàn cầu và thiết lập nhiều liên minh xanh hơn “không chỉ giữa chúng ta mà còn với đối tác đáng tin cậy khác”. Các quốc gia G7 hiện đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon chậm nhất vào năm 2050, bổ sung năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác vào cơ cấu tiêu thụ. Trong đó Liên minh châu Âu muốn xử lý 40% nguyên liệu thô quan trọng mà họ tiêu thụ vào năm 2030, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

A.Thư


Dương Ngọc