Giới chức trách hôm 9-11 cho biết các lớp học trực tiếp tại 8 trong số 11 quận của Quảng Châu sẽ tạm dừng từ ngày 10-11. Quảng Châu hiện chứng kiến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất của Trung Quốc, chiếm 2.555 ca trong số 8.494 trường hợp mắc mới trên cả nước được ghi nhận hôm 9-11.

Sự gia tăng số ca mắc mới ở Quảng Châu làm tăng nguy cơ các nhà chức trách có biện pháp cứng rắn ở thành phố này, nơi có nhiều nhà sản xuất hàng may mặc cũng như các nhà sản xuất ô tô.

Chính quyền Trịnh Châu ghi nhận 1.228 ca mắc hôm 9-11. Ảnh: BLOOMBERG

Nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới vẫn chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phòng dịch Covid-19 dù lệnh phong toả quy mô lớn ở khu vực đặt nhà máy đã được dỡ bỏ từ hôm 9-11. Chính quyền ở Trịnh Châu cũng ghi nhận 1.228 ca mắc mới hôm 9-11.

Thủ đô Bắc Kinh cũng đang nổi lên như một điểm nóng với 95 ca mắc mới được ghi nhận hôm 9-11, gần mức tăng cao nhất 5 tháng qua. Theo Bloomberg, các khu dân cư và chung cư ở quận Triều Dương đông dân đang bị phong tỏa trong khi một số trường học cũng bị đóng cửa.

Trong khi đó, theo Financial Times, các quản lý doanh nghiệp tại miền nam Trung Quốc ghi nhận đơn đặt hàng tháng 10 sụt giảm tới 50% khi kho hàng tại châu Âu và Mỹ đã đầy. Diễn biến trên đang cho thấy triển vọng ngày càng u ám với nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tháng 10 thường là giai đoạn đặc biệt bận rộn với ngành sản xuất. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể hoạt động đã khiến các công nhân gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vốn chật vật vì khủng hoảng bất động sản, các đợt phong tỏa và niềm tin người tiêu dùng yếu nay lại đối mặt thêm với sự suy giảm hoạt động sản xuất. Ông Christian Gassner, người sở hữu một nhà máy nội thất tại Quảng Đông, cho hay: “Lẽ ra đây là thời điểm bận rộn. Nhưng hai tháng qua lại là thời gian tồi tệ nhất. Chẳng ai dám mua thứ gì cả, chẳng ai dám mua một chiếc sofa, chẳng có ai ở châu Âu còn tiền chi tiêu gì cả”.


Xuân Mai