Theo đài RT, cuộc bỏ phiếu kéo dài từ ngày 23 đến 27-9. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố vào ngày 28-9.

DPR và LPR đã ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014. Hồi tháng 2-2022, Moscow đã công nhận DPR và LPR là các quốc gia độc lập. Nga hiện kiểm soát vùng Kherson và phần lớn vùng Zaporozhye sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2.

Lãnh đạo DPR Denis Pushilin gọi cuộc trưng cầu ý dân là “một cột mốc lịch sử”, đồng thời cho rằng có “những dấu hiệu đáng lo ngại” rằng Kiev có thể phát động một cuộc tấn công vào DPR trong tương lai gần.

Trong bài phát biểu hôm 21-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết bảo đảm môi trường an toàn cho các cuộc trưng cầu ý dân để người dân thể hiện ý chí của mình.

Một binh sĩ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng hôm 23-9 Ảnh: REUTERS

Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn ở Ukraine. Lãnh đạo vùng Donetsk cáo buộc các lực lượng Ukraine đã pháo kích TP Donetsk và TP Yasynuvata gần đó. Trong khi đó, các quan chức Ukraine tố lực lượng Nga hôm 23-9 tấn công nhiều khu vực ở nước này, trong đó có TP Mykolaiv, TP Nikopol…

Chính phủ Ukraine khẳng định sẽ không công nhận cuộc trưng cầu ý dân. Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích hoạt động này. Theo AP, EU dường như quyết tâm tăng cường trừng phạt Moscow để đáp trả “nỗ lực mới của Nga nhằm sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine”.

Tuy nhiên, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên EU đang ngày một khó khi đòn trừng phạt Nga đang gây tổn hại cho kinh tế của các nước này, trong đó trở ngại hàng đầu là lợi ích về năng lượng.


Xuân Mai