Theo Cơ quan Sức khỏe Động thực vật Anh (APHA), trong năm nay, các ca nhiễm cúm gia cầm ở nước này được phát hiện sớm hơn 6 tuần so với năm ngoái. Hiện có 47 ổ dịch đang bùng phát trên khắp Vương quốc Anh, trong đó có 30 ổ dịch khởi phát từ đầu tháng 10.

Trang New Scientist đưa tin, để ngăn chặn virus cúm gia cầm lây lan, APHA đã áp đặt một “khu vực phòng ngừa” trên khắp nước Anh, Scotland và Xứ Wales. Chính phủ Bắc Ireland cũng đã đưa ra chính sách tương tự.

Theo đó, nông dân và những người nuôi chim nghiệp dư trên khắp Vương quốc Anh sẽ phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, chẳng hạn như thay quần áo và giày trước khi vào chuồng và khử trùng các phương tiện được sử dụng tại chỗ.

Nhưng lo ngại dâng cao khi mức độ lây nhiễm cao trong các quần thể chim hoang dã đang ngày càng tăng. Bà Christine Middlemiss, Giám đốc thú y của Vương quốc Anh, nói với Đài BBC rằng điều này chưa từng có tiền lệ.

Kể từ tháng 10-2021 đến nay, đã có khoảng 3,5 triệu con chim bị nuôi nhốt đã bị tiêu hủy tại Anh.

Các trang trại gà ở Anh được yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn sinh học. Ảnh: Mint Images

Theo Reuters, Bộ Nông nghiệp Pháp hôm 19-10 thông báo sẽ tăng cường các biện pháp phòng ngừa do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc mới cúm gia cầm tại các trang trại nằm ở các vùng Tây Brittany và Pays de la Loire của nước này.

Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết đã phát hiện 17 ổ cúm gia cầm ở 2 khu vực trên tính đến ngày 14-10. Bộ đã tiến hành kiểm tra bổ sung và yêu cầu các chủ trang trại nhốt gia cầm trong nhà khi các xét nghiệm đang được thực hiện.

Một trang trại gia cầm ở Montsoue – Pháp vào ngày 12-1-2017. Ảnh: Reuters

Chính phủ Hà Lan hôm 20-10 thông báo sẽ tiêu hủy thêm 300.000 con gà tại một trang trại ở miền Nam nước này sau khi phát hiện một chủng cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm cao.

Khoảng 30 trường hợp cúm gia cầm gây chết người cao đã được báo cáo ở Hà Lan kể từ đầu tháng 9 năm nay, sau hàng chục trường hợp hồi đầu năm.

Cục An toàn thực phẩm Hà Lan cho biết gần 6 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy ở Hà Lan kể từ khi biến thể mới của căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 26-10 năm ngoái.

Logo trong một trang trại gia cầm ở Hekendorp – Hà Lan ngày 17-11-2014. Ảnh: Reuters

Không chỉ riêng châu Âu, tại Mỹ, Sở Nông nghiệp và Thực phẩm California xác nhận một con thiên nga đen ở hồ San Marcos thuộc TP San Diego đã dương tính với cúm gia cầm.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), có 47,3 triệu gia cầm đã bị mắc virus này; chỉ riêng ở California đã có tổng cộng hơn 626.000 ổ dịch.

Tổ chức Sea World San Diego đã tạm dừng cứu hộ chim và các hoạt động thuộc Dự án Động vật hoang dã của Hiệp hội Nhân đạo San Diego để thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi điều trị cho những con chim bị bệnh.

Cuối tuần trước, nhóm phi lợi nhuận Clean Earth 4 Kids đã có mặt tại hồ San Marcos sau khi thiên nga và chim bắt đầu chết nhanh chóng. Tuy nhiên, nhóm này cho rằng nguyên nhân là do thuốc trừ sâu độc hại phun trên cỏ chứ không phải do cúm gia cầm.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết khả năng một người mắc các triệu chứng của bệnh cúm gia cầm là rất thấp. Hiện tại, vắc-xin cúm gia cầm cho người vẫn chưa được bào chế.


Khánh Thu